NHTM nào nhiều nợ xấu sẽ nhận được nhiều trái phiếu: Họa hay phúc?

27/03/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Trong bối cảnh đang thừa thanh khoản, cho vay thì rủi ro cao, không biết các NHTM sẽ kinh doanh gì? Cũng có thể sẽ mua trái phiếu chính phủ để lấy 8%/năm.

Việc thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) hay còn gọi là công ty mua bán nợ có chức năng giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay của nền kinh tế có lẽ là thông tin được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhất hiện nay.

Dù chưa được cơ quan có chức năng “vẽ” lên một “hình hài” cụ thể về công ty này, nhưng cuối tuần qua với một vài thông tin được hé lộ đã khiến không ít người đặt câu hỏi băn khoăn: Nếu công ty này phát hành trái phiếu mà không có sự bảo lãnh của Chính phủ thì điều gì sẽ xảy ra? Việc phát hành trái phiếu ồ ạt có khiến cho các NHTM lại phải bước vào một cuộc đua lãi suất mới hay không? Ngân hàng “ôm” nhiều trái phiếu liệu đó là họa hay phúc?…

Trái phiếu không cần Chính phủ bảo lãnh

Trái phiếu, về bản chất là phiếu ghi nhận nghĩa vụ nợ. Trái phiếu chỉ cần phải có bảo lãnh khi khả năng trả nợ của người đi vay không được đánh giá cao. Trong trường hợp VAMC phát hành trái phiếu như các thông tin đã đưa, khả năng trả nợ của VAMC luôn luôn được đảm bảo, nên không cần Chính phủ bảo lãnh.

VAMC không vay tiền, tức là không bán trái phiếu để lấy tiền mua nợ xấu, mà đổi trái phiếu để lấy nợ xấu trực tiếp. Nếu nợ xấu không bán được, VAMC vẫn có đủ nợ xấu để trả cho các NHTM vì lãi suất là 0%, còn nếu bán được thì trả 85% tiền cho các NHTM và giữ lại 15%.

Không lo về nguy cơ một cuộc chạy đua lãi suất mới

Về thực chất, việc phát hành trái phiếu chỉ là một kỹ thuật nghiệp vụ để giúp các NHTM có cái gì đó cầm cố và vay tiền từ NHNN (40% giá trị trái phiếu) trong một thời hạn nhất định, từ đó các NHTM có tiền để làm ăn, kiếm lời rồi trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu.

Nếu không phát hành trái phiếu, VAMC sẽ nói với các NHTM như sau: “các anh phải đưa nợ xấu cho tôi xử lý, còn tôi sẽ tạm ứng cho các anh 40% giá trị của đống nợ xấu đó. Sau này, nếu tôi bán được nợ xấu, tôi lấy 15%, còn 85% sẽ trả lại các anh. Còn nếu tôi không bán được, tôi trả lại các anh nợ xấu.

Tuy nhiên, kiểu gì các anh mỗi năm vẫn phải trích lập một khoản bằng 20% giá trị của đống nợ xấu đó và thời gian trích lập là 5 năm, đồng thời các anh cũng vẫn phải trả lại tôi tiền ứng trước khi đến hạn”.

Vì VAMC không bán trái phiếu lấy tiền, nên sẽ không có một cuộc đua lãi suất để huy động tiền mua trái phiếu.

NHTM nào nhiều nợ xấu sẽ nhận được nhiều trái phiếu: Họa hay phúc

Để khẳng định là họa hay phúc thì có lẽ đó vẫn là một câu hỏi ngỏ. Bởi nếu đưa nhiều nợ xấu cho VAMC thì phải trích lập dự phòng nhiều và bị giảm quyền tự quyết trong việc xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, đổi lại NHTM lại có được một khoản tiền trị giá khhoảng 40 – 50% số nợ xấu chuyển vào VAMC để kinh doanh.

Nhưng trong bối cảnh đang thừa thanh khoản, cho vay thì rủi ro cao, không biết các NHTM sẽ kinh doanh gì? Cũng có thể sẽ mua trái phiếu chính phủ để lấy 8%/năm. Cũng chưa rõ là khoản tiền mặt mà các NHTM vay của NHNN bằng cách thế chấp trái phiếu VAMC có chịu lãi suất không?

Khánh Linh 

Theo TTVN

Comments are closed.