Mỹ giải cứu thành công đại gia cho vay bất động sản Fannie Mae

03/04/2013 // No Comment // Categories: Tin thế giới.

Cuối cùng thì Fannie Mae và Freddie Mac, 2 gã khổng lồ đã gục ngã trong cuộc khủng hoảng nhà đất và giờ đây được sở hữu bởi chính phủ Mỹ, cũng đã có lãi trở lại.

Theo báo cáo vừa được Fannie Mae (FNMA) đưa ra hôm qua (2/4), trong bối cảnh thị trường nhà đất phục hồi, hãng đã ghi nhận khoản lãi lớn nhất trong lịch sử. Tổng thu nhập ròng của năm 2012 đạt 17,2 tỷ USD, lợi nhuận 3 tháng cuối năm lên tới 7,6 tỷ USD, vượt qua lợi nhuận của nhiều ông lớn trong chỉ số S&P 500 như Wal-Mart, General Electric hay tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Năm 2011, Fannie Mae lỗ 16,9 tỷ USD.

 

Hồi tháng 2, Freddie Mac công bố hãng kiếm được 11 tỷ USD trong năm 2012. Năm 2011, Freddie lỗ 5,3 tỷ USD.

Như vậy, tổng cộng Fannie Mae và Freddie Mac có thu nhập ròng đạt 28,2 tỷ USD trong năm 2012. Đây là năm lãi lớn nhất từ trước đến nay của 2 công ty này.

Đây là tin tốt lành bởi với kết quả kinh doanh ấn tượng, có vẻ như Fannie và Freddie đã hoàn tất việc xử lý danh mục các chứng khoán nợ dưới chuẩn (subprime securities) nhiễm độc. Gần như toàn bộ số lợi nhuận trên sẽ được chuyển vào kho bạc Mỹ, giúp các nhà làm luật giảm thâm hụt ngân sách mà không cần phải tăng thuế hay cắt giảm chi tiêu.

Chớ vội mừng?

Tuy nhiên, phớt lờ quá trình cải cách của 2 công ty này sẽ là 1 lỗi lớn. Lợi nhuận kỷ lục của ngày hôm nay có thể ngay lập tức biến mất nếu lãi suất bắt đầu tăng. Các nhà làm luật của nước Mỹ nên tập trung vào việc sửa chữa những lỗ hổng của 2 gã khổng lồ này để có thể ngăn chặn kịch bản lỗ lặp lại.

Hiện nay, nguồn thu nhập chính của Fannie và Freddie đến từ khoảng chênh lệch giữa chi phí đi vay mà 2 công ty này phải bỏ ra để tự tài trợ cho bản thân và lợi suất thu được từ những khoản thế chấp mà họ sở hữu.

Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ như hiện nay, lãi suất ở mức gần 0 là chính sách mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lựa chọn để có thể kích thích nền kinh tế. Dù sớm hay muộn, cuối cùng thì chắc chắn lãi suất cũng phải tăng lên, kéo theo đó là chi phí đi vay. Tất nhiên, lợi suất từ các khoản thế chấp cũng tăng lên. Nhưng chừng đó là không đủ để bù đắp những khoản vay dài hạn. Kết quả là, mặc dù người đi vay nhanh chóng tái tài trợ (refinance – đổi món nợ từ tay người này sang tay người kia) khi lãi suất giảm, không ai làm điều đó khi lãi suất tăng lên. Điều này có thể khiến công ty càng dấn sâu thêm vào thua lỗ.

Có vẻ nhưu Cơ quan tài chính nhà ở liên bang (Federal Housing Finance Agency – FHFA) – bên quản lý Fannie và Freddie, đã nhận thức được những rủi ro này, mặc dù vẫn chưa đưa ra giải pháp đối phó cụ thể. Tháng trước, FHFA đã công bố tài liệu giải thích tại sao Fannie và Freddie nên sử dụng các hợp đồng hoán đổi lãi suất để tự bảo vệ bản thân.

Điều thú vị mà tài liệu nhắc đến là Fannie and Freddie không có những biện pháp phòng vệ cho danh mục đầu tư trong khi cả hai đã báo cáo họ có biện pháp chống lại những thay đổi nhỏ về lãi suất.  FHFA cho rằng rủi ro về lãi suất vẫn tồn tại bất chấp nỗ lực bán tháo các khoản thế chấp dưới dạng chứng khoán cho nhà đầu tư.

Thu Hương

Theo TTVN/Bloomberg

 

Comments are closed.