Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013

10/04/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam trong năm nay.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2013 được công bố ngày 9/4/2013 đã đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2013. NDHMoney xin trích đăng một số ý kiến đánh giá của ADB để giúp độc giả có cái nhìn khái quát về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ôn định kinh tế vĩ mô – ưu tiên hàng đầu

Báo cáo của chính phủ cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Phần bình luận dưới đây của ADB giả định rằng mức độ kích thích chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn dự báo sẽ ở mức trung bình.

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, cao hơn so với kết quả 8,9% đạt được trong năm 2012, và tăng trưởng M2 là 14% -16%, giảm so với mức tăng trưởng thực 22,4% của năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước đã bãi bỏ các hạn mức về cho vay tiêu dùng, bất động sản và thị trường chứng khoán. Sau khi lạm phát giảm xuống còn 6,6% so với cùng kỳ tháng 3 năm 2013, ngân hàng nhà nước đã cắt giảm một số lãi suất, bao gồm giảm 100 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu xuống còn tương ứng là 8% và 6%. Tác động của lãi suất thấp đối với tăng trưởng tín dụng có thể chưa nhận biết được cho đến khi các vấn đề của ngành ngân hàng được giải quyết một cách cương quyết hơn.

Về chính sách tài khóa, chính phủ duy trì mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2013 là 4,8% GDP. Trong tháng 1, chính phủ cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp thâm dụng lao động được hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, đề xuất hỗ trợ và giảm thuế để phục hồi thị trường bất động sản. Khả năng cung cấp gói kích thích tài chính lớn hơn bị hạn chế bởi nợ công, hiện nay đã tăng lên đến 55% GDP, và các nghĩa vụ nợ tiềm tàng nằm ở các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại.

Image

Tiêu dùng cá nhân sẽ được hỗ trợ bởi lạm phát giảm, mặc dù thị trường lao động suy yếu vẫn là một yếu tố cản trở. Triển vọng đầu tư đã được cải thiện nhờ có cam kết FDI từ Nhật Bản gia tăng trong năm ngoái và các quyết sách nói trên. Tuy nhiên, câu hỏi về sự lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục là một sức ép đối với đầu tư tư nhân trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc, với tốc độ tăng trưởng kinh tế gia tăng ở Trung Quốc và một số thị trường khác trong năm nay, và dự kiến báo tăng trưởng của một số nước công nghiệp lớn trong năm 2014. Xuất khẩu hàng công nghiệp sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi các nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đi vào sản xuất. Mặc dù vậy, nhập khẩu cũng sẽ tăng do cầu trong nước đang dần hồi phục, và để cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất định hướng xuất khẩu.

Dự báo GDP tăng 5,2%, lạm phát giảm còn 7,5%

Image

GDP tăng trưởng 4,9% trong quý đầu tiên năm 2013, cao hơn một chút so với cùng kỳ năm trước đó, và chỉ số quản lý mua hàng (PMI) có xu hướng tăng nhẹ do số đơn đặt hàng tăng lên. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,9% và doanh số bán lẻ thực chỉ tăng trưởng 4,5% cho thấy có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Khi cân nhắc tất cả những yếu tố nói trên, GDP được dự báo tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2013, và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các nền kinh tế công nghiệp lớn lấy lại được đà phát triển trong năm 2014.

Lạm phát dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình 7,5% trong năm nay, trước khi tăng lên đến 8,2% trong năm 2014. Dự báo này dựa trên giả định thời thiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá hối đoái so với tiền đồng nhìn chung ổn định, và các chính sách kích thích có kiềm chế. Thặng dư thương mại dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỉ US$ trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay trước khi giảm nhẹ trong năm 2014 do nhập khẩu tăng tốc song song với tăng trưởng GDP.

Rủi ro nợ xấu của hệ thống ngân hàng

Image

Rủi ro đối với triển vọng nói trên xoay xung quanh sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu. Vấn đề nợ xấu bắt đầu lan rộng sang thị trường tiền tệ liên ngân hàng từ cuối năm 2011, khi một số ngân hàng không thể thu hồi vốn đã cho vay đối với cho các ngân hàng nhỏ hơn có tỷ lệ nợ xấu cao. Ngân hàng Nhà nước năm ngoái đã có động thái phản ứng bằng cách hạn chế các ngân hàng thương mại có nợ liên ngân hàng quá hạn hơn 10 ngày không được tiếp tục vay trên thị trường liên ngân hàng, bên cạnh các biện pháp khác. Những biện pháp này giảm được rủi ro giao dịch liên ngân hàng nhưng đồng thời hạn chế thị trường hoạt động. Đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế này.

Một báo cáo đánh giá ngành tài chính do Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới thực hiện với sự đồng ý của chính phủ, sẽ được hoàn thành trong năm nay. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã đưa ra quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ xấu và báo cáo về tình hình phân loại nợ vào tháng 6/2013. Việc tuân thủ có thể mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến, vì các ngân hàng cần phải nâng cấp hệ thống kế toán của họ. Chức năng thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cần phải được tăng cường để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.

Việc làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại sẽ mở đường cho việc tăng cường mạnh mẽ hoạt động tín dụng. Nhận thức rõ về điều này, Ngân hàng Nhà nước dự định thành lập một Công ty Quản lý Tài sản để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại. Việc đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động là yếu tố thiết yếu cho sự thành công của kế hoạch này, cũng như một quy trình định giá tài sản minh bạch và một hành lang pháp lý về phá sản với năng lực xử lý nợ xấu được cải thiện.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể giảm bớt áp lực đối với các ngân hàng thương mại, ít nhất trong thời gian trước mắt. Về vấn đề này, vào tháng 1/2013 Chính phủ đã công bố một gói các biện pháp nhằm vào các dự án nhà ở xã hội đi kèm hỗ trợ lãi suất cho vay thế chấp dành cho người có thu nhập thấp và công chức, giảm tiền thuê đất, hoãn nộp phí sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp tinh giản quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Tăng sở hữu nước ngoài để đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng

Nhằm thu hút vốn và kinh nghiệm chuyên môn từ nước ngoài, chính phủ dự kiến sẽ tăng mức trần sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng trong nước bởi một tổ chức đầu tư từ 10% lên 15%, và lên đến 20% đối với các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời cho phép tổng vốn nước ngoài trong các ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu được vượt quá 30%.

Kế hoạch mở rộng cải cách khu vực tài chính bao gồm việc phát triển thị trường trái phiếu trong trung hạn như được nêu trong đề án của chính phủ phê duyệt vào tháng 2/2013. Các hành động chính sách bao gồm thành lập các cơ quan xếp hạng tín dụng, một đường cong lãi suất chuẩn, hệ thống giao dịch sơ cấp, và một khuôn khổ pháp lý khuyến khích các quỹ hưu trí tự nguyện và các công ty bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Chính phủ đặt mục tiêu tăng giá trị của dự nợ trái phiếu từ 18% GDP trong năm 2011 lên 38% vào năm 2020 và nâng tỷ lệ trái phiếu được nắm giữ ngoài hệ thống ngân hàng từ 12% lên 20% trong cùng kỳ.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn gặp vướng mắc

Image

Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã cam kết sẽ ban hành lộ trình cải cách vào giữa năm 2013. Việc thực hiện chương trình đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành vì việc cải cách doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ mang tính xuyên suốt của một số bộ ngành. Kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt cho 24 doanh nghiệp nhà nước lớn, và sẽ có thêm nhiều kế hoạch tương tự được đưa ra, bao gồm cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa một phần các doanh nghiệp nhà nước thông qua chào bán cổ phiếu nếu tình hình thị trường cho phép.

Tiến trình cổ phần hóa đã đi chậm lại trong những năm gần đây. Một trong các mục tiêu đề ra là thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015, vì nhiều doanh nghiệp nhà nước đã mắc nợ rất nhiều khi đầu tư vào các lĩnh vực không liên quan đến ngành kinh doanh cốt lõi của mình. Sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho cải cách doanh nghiệp nhà nước có thể gây rủi ro cho việc thực hiện chương trình tái cơ cấu vốn được xây dựng theo cách tiếp cận giải quyết tình thế. Ví dụ, sẽ rất khó tập trung hỗ trợ cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nếu chưa có các chương trình hỗ trợ và đào tạo lại cho người lao động bị mất việc làm khi sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Thu hút FDI sẽ bị cạnh tranh

Image

Bất chấp những quan ngại nói trên, Việt Nam vẫn là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Minh chứng cho điều này là sự gia tăng FDI từ Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh giành FDI ngày càng tăng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là cạnh tranh đến từ Indonesia. Khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại lên đến 7% -8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện kịp thời và cương quyết các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và cải thiện các khía cạnh khác của môi trường đầu tư.

Image

Một minh chứng cho thấy mức độ thách thức này là xếp hạng của Việt Nam trong chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã giảm 16 điểm trong 2 năm qua, xuống vị trí 75 trong 144 quốc gia được xếp hạng. Kết quả xếp hạng này đặt Việt Nam xuống dưới các nền kinh tế lớn khác ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam xếp hạng thấp trên một loạt chỉ số thành phần, bao gồm cơ sở hạ tầng (95), mức độ phức tạp của nền kinh tế (100), tôn trọng quyền sở hữu (113), các khoản chi bất thường và hối lộ (118), và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng (125). Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ghi nhận rằng lợi thế so sánh của Việt Nam là thị trường lao động (xếp hạng 51) và thị trường trong nước lớn (32).

 

Thu Trang – NDHMoney (theo ADB)

Comments are closed.