Chủ tịch VietinBank: Chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,5 – 1,8%

30/05/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Phát biểu trước Quốc hội, ông Phạm Huy Hùng cho rằng, lãi suất ngân hàng hiện không còn là rào cản tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

Tại phiên họp toàn thể sáng nay (30/5) của Quốc hội, Đại biểu Phạm Huy Hùng – Chủ tịch ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, lãi suất từ năm 2011 đến nay liên tục được điều chỉnh giảm.

Theo ông Hùng, chỉ trong khoảng 1 năm lãi suất huy động giảm 4 – 9%, lãi suất cho vay giảm 7 – 11%, hiện mặt bằng lãi suất
về thấp hơn năm 2007.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đạt mục tiêu mỗi quý giảm 1% lãi suất. Gần đây NHNN đã điều chỉnh giảm tiếp 1% lãi suất điều hành và trần cho vay lĩnh vực ưu tiên mà vẫn duy trì lãi suất huy động 7,5% thực dương cho người gửi tiền.

Ông Hùng cũng nói thêm rằng, các ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục giảm lãi suất, hiện tại chênh lệch giữa cho vay và huy động chỉ khoảng 1,5 – 1,8%, mức thấp nhất từ trước đến nay. Do đó, lãi suất ngân hàng không còn là rào cản tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.

Về tăng trưởng tín dụng, ông Hùng cho biết, tuy ngân hàng đã đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay, nỗ lực tiết kiệm chi phí nhưng tín dụng vẫn không thể tăng trong khi thanh khoản dư thừa. Nguyên nhân là do có một bộ phận doanh nghiệp không có nhu cầu vốn trong khi bộ phận khác thì không đáp ứng đủ yêu cầu, không có phương án kinh doanh khả thi, vốn cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro cao.

Để đẩy vốn ra nhiều ngân hàng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới các chi nhánh, tìm kiếm khách hàng tốt. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề là cần phải kích cầu đầu tư, sức mua nền kinh tế và khôi phục niềm tin của thị trường.

Về nợ xấu, ông Hùng cho biết từ đầu năm 2012, NHNN đã nỗ lực chỉ đạo quyết liệt xử lý nợ xấu như việc ngân hàng thương mại được cơ cấu lại nợ theo quyết định 780 (thực hiện được trên 270 nghìn tỷ đồng), giám sát các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro (giải quyết được trên 60 nghìn tỷ đồng)… Như vậy, đã xử lý được trên 330 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, nếu nền kinh tế tiếp tục diễn biến không thuận lợi thì nợ xấu vẫn sẽ là vấn đề nghiêm trọng gây áp lực cho hệ thống ngay cả khi các ngân hàng thực hiện giảm lãi, thậm chí miễn lãi toàn bộ mà doanh nghiệp vẫn không trả được nợ gốc.

“Nợ xấu cần giải quyết sớm để khơi thông nguồn vốn, tạo đà tăng trưởng trở lại và khôi phục niềm tin”, ông Hùng nói.

Theo Dân Việt

Comments are closed.