Quyết định 48/2013/QĐ-TTg sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu

19/08/2013 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Cho tới nay, chưa có khoản nợ nào được chuyển nhượng từ TCTD cho VAMC do đang chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu.

Ngày 1/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2013.

Theo Quyết định này, trong trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt không thực hiện yêu cầu về việc tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc sáp nhập, Thống đốc NHNN có quyền chỉ định TCTD khác tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt.

Quyết định này cho thấy sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7, trong bối cảnh nỗ lực giải quyết nợ xấu còn gặp nhiều trở ngại, nổi bật là những vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Cho tới nay, chưa có khoản nợ nào được chuyển nhượng từ TCTD cho Công ty Quản lý nợ Việt Nam (VAMC) do công ty này vừa mới khai trương hoạt động từ ngày 26/7/2013 và đang chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể việc mua bán, xử lý nợ xấu.

Ngoài việc nêu rõ cách thức, giá cả và tài sản thế chấp nợ, qui trình và tốc độ bán lại nợ xấu từ VAMC cho đối tác thứ ba, Thông tư hướng dẫn này sẽ phản ánh những ý kiến đề xuất của các TCTD, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa một bên là VAMC và bên kia là các TCTD.

Ngoài ra, cần thống nhất với các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến việc định giá và chuyển nhượng tài sản trong quá trình mua bán nợ, đây cũng là vấn đề đang gây nhiều khó khăn cho các TCTD trong việc xử lý các khoản nợ khó đòi do thủ tục hành chính rườm rà và thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan.

Chính vì thế, Quyết định 48 nêu trên sẽ có tác dụng hỗ trợ cho VAMC đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, đồng thời sẽ từng bước xử lý được vấn đề sở hữu chéo hiện nay, hạn chế tình trạng chuyển nợ từ TCTD sang các công ty con và công ty liên kết, qua đó điều chỉnh số liệu trên sổ sách kế toán.

Tuy nhiên, để Quyết định này có hiệu quả thực sự, cần có thêm một số công cụ hỗ trợ và phải có công cụ pháp lý đủ mạnh. Đặc biệt là, phải có tiêu chí phân loại nợ rõ ràng và thống nhất trong toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Về tổng thể, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu nói chung, vấn đề cơ bản nhất là phải tăng cường các thiết chế và qui định an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, làm cơ sở để tiến hành những bước cải cách quyết liệt hơn, có thể quyết định hợp nhất, sáp nhập những TCTD yếu kém.

Trong thời gian tới, cần có các giải pháp buộc các TCTD phải chủ động cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính, củng cố lòng tin đối với thị trường, có khả năng chống đỡ những biến động về tài chính ở trong và ngoài nước.

Theo SBV

 

Comments are closed.