Mỹ hay Trung Quốc hưởng lợi từ bất ổn Trung Đông, Bắc Phi?

03/03/2011 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc cũng không tránh khỏi những tác động từ tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.

Trung Quốc tổn thất lớn do bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi

Hiện, tại khu vực Trung và Đông Phi, có rất nhiều bất bình về việc Bắc Kinh ủng hộ các chế độ như của Sudan.

27 địa điểm và khu vực xây dựng của Trung Quốc ở Libya đã bị “tấn công và cướp phá” trong bối cảnh bạo loạn sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi sử dụng quân đội để trấn áp lực lượng nổi dậy chống chế độ cai trị suốt 41 năm qua của ông.

Trong khi đó, cuộc chính biến ở Ai Cập đã gây thiệt hại 1,7 tỷ USD cho các ngành du lịch, xây dựng và chế tạo của Trung Quốc. Tại Tunisia, mức thiệt hại này là 2,14 tỷ USD, trong đó, khoảng 40% nhà máy của Trung Quốc ở đây phải ngừng hoặc cắt giảm hoạt động.

Về chính trị, Trung Quốc đang ra sức hạn chế ảnh hưởng của “Hiệu ứng domino Trung Đông”. Trong một bài phát biểu hôm 19/2, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thừa nhận tình hình bất ổn đang gia tăng và hối thúc Đảng Cộng Sản cầm quyền phải hành động để đảm bảo sự bình ổn, đồng thời yêu cầu thắt chặt kiểm soát đối với “thế giới ảo” hay mạng internet.

Trung Quốc đã triển khai một lực lượng an ninh đông đảo tại Bắc Kinh, Thượng Hải và 11 thành phố lớn khác. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình theo kiểu Quảng trường Tahrir của Ai Cập sau khi xuất hiện những lời kêu gọi phản đối chính phủ được tung lên các diễn đàn.

Giới chức Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ cố gắng ngăn không cho hoạt động chống đối Trung Quốc sôi sục tại Bắc Phi lan rộng sang các quốc gia khác trong khu vực.

Kinh tế Mỹ hưởng lợi duy nhất

Trung Đông và Bắc Phi là hai nguồn cung dầu mỏ chính của thế giới, những bất ổn ở đây đã làm gián đoạn nguồn cung dầu, đẩy giá dầu tăng vọt. Hiện tại, giá dầu mới chỉ ở ngưỡng sát 100 USD/thùng, nhưng trong tương lai không xa, nếu bạo loạn lan sang Ả-Rập Xê-út, có thể vượt mức 125USD/thùng, thậm chí cao hơn nữa. Và rốt cục nó sẽ gây ra sức ép lớn về lạm phát, buộc các nước phải phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ khiến đà tăng trưởng của nhóm các kinh tế mới nổi chậm lại. Còn khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể rơi vào suy thoái lần 2, khủng hoảng trầm trọng hơn.

Được hưởng lợi duy nhất là kinh tế Mỹ khi các tài sản định giá bằng đồng USD sẽ trở nên hấp dẫn.

Hay nói cách khác, hiệu ứng domino từ bất ổn của Bắc Phi và Trung Đông đem lại lợi ích duy nhất cho kinh tế Mỹ, một phần là do chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ liên bang (FED).

FED đã liên tiếp đưa ra các gói kích thích kinh tế, và với việc in thêm 2 nghìn tỷ USD để mua tài sản, giúp tăng đáng kể tính thanh khoản của các loại tài sản này. Như vậy, rõ ràng thị trường tài chính Mỹ sẽ trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong thời gian tới.

Về chính trị, nhà Đông Phương học người Nga Vladimir Akhmedov cho rằng, việc Mỹ can thiệp vào các diễn biến ở Bắc Phi và Trung Đông là nhằm bảo vệ trọn vẹn lợi ích của họ, sao cho họ vẫn là lực lượng thống trị trong khu vực và tiếp tục vạch ra các quá trình chính trị quan trọng ở đây.

Theo DVT

Comments are closed.