CPI tháng 3 có thể tăng khoảng 1,9%

14/03/2011 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt đưa NDHMoney đến dự báo CPI tháng 3 tăng khoảng 1,9%.

Ngay sau Tết Nguyên đán, các điều chỉnh chính sách như cho phép tăng giá điện, xăng dầu, than, điều chỉnh tỷ giá… khiến cho thị trường khó về lại mức giá trước đó, vốn là quy luật của những năm trước đó.

Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng “ra quân” với đợt tăng lãi suất chủ chốt, cùng với việc kiểm soát chặt hơn hoạt động huy động, cho vay… Tuy nhiên, tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ chưa thể “đánh sập” tổng cầu ngay trong tháng này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 nhiều khả năng sẽ ở mức cao.

Cụ thể, các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và ARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt đưa NDHMoney đến dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng khoảng 1,9% so với tháng 2 trước đó. Cùng với kết quả này, lạm phát tháng 3/2011 so với tháng 12/2010 sẽ ở mức 6%; so với cùng kỳ ở mức trên 13%.

Nếu thực tế này xảy ra, mặc dù CPI tháng 3/2011 có mức tăng thấp hơn tháng 2 trước đó (2,09%). Trung bình, chênh lệch chỉ số giá giữa tháng 2 và 3 của nhiều năm trước thường ở mức khoảng trên 2% (trừ giai đoạn 2008-2010). Trong khi đó, nếu nhìn lại lịch sử chỉ số giá tiêu dùng, tháng 3 năm nay trở thành “á quân”, chỉ đứng sau mức tăng 2,99% của năm 2008.

Kịch bản giá tháng 3 trở nên rõ nét hơn ngay từ sau Tết Nguyên đán. Liên tiếp nhiều lần giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, tăng mức hỗ trợ từ quỹ bình ổn giá, cuối cùng ngày 24/2 giá mặt hàng năng lượng này buộc phải điều chỉnh theo kiểu “thà chịu đau”, đưa mức tăng mạnh từ 2.110-3.550 đồng/lít (kg) tương ứng với từng chủng loại xăng dầu trên thị trường.

Nhưng trước đó, giá điện cũng được thông qua ở mức mới, bình quân tăng 165 đồng/kWh, giá than bán cho điện tăng thêm 5%. Dù việc tăng giá điện chưa tác động trực tiếp vào CPI tháng này do thời hạn áp dụng được tính từ 1/3 và thanh toán hóa đơn lần đầu vào khoảng cuối tháng này, nhưng ảnh hưởng tâm lý đã có. Dịch vụ cho thuê nhà ở nhiều nơi đã được điều chỉnh với mức giá cấp điện cao hơn trước.

Cũng ở giai đoạn này, giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất trong nước cũng tăng khá mạnh, đặc biệt là bông, sợi dệt, sắt thép… Điều này cũng ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngành dệt may, thời trang. Việc điều chỉnh tỷ giá như một “cú đòn” kép, bồi thêm cho mức giá đã tăng nhiệt của nhiều mặt hàng nhập khẩu như thuốc uống, đồ dùng gia đình…

Trong khi đó, giá xuất khẩu tăng đặc biệt là nhóm hàng nông sản, khiến mặt bằng giá trong nước không thể đứng yên. Bên cạnh đó, việc một lượng tương đối trâu, bò, lợn… chết trong đợt rét kéo dài trước Tết khiến nguồn cung thực phẩm giảm. Lương thực, thực phẩm đang tiếp tục tạo áp lực mạnh lên chỉ số giá tiêu dùng, dù tháng Tết đã đi qua.

Cũng cần lưu ý đến Nghị quyết 11 ban hành ngày 24/2, với các chỉ tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ được điều chỉnh giảm như cung tiền về mức 15-16% và tín dụng xuống dưới 20%. Tuy nhiên, với nhiều ý kiến từ giới chuyên gia kinh tế, chỉ tiêu quan trọng hơn là chính sách tài khóa, trong đó mức bội chi ngân sách xuống dưới 5% được nhìn nhận chưa đủ mạnh.

Với việc giá nhiều loại chi phí đầu vào tăng mạnh (chưa kể lãi suất vay ngân hàng thương mại đã lên mức khoảng 18%/năm và lên tới 22% với khu vực phi sản xuất) làm giảm tỷ suất lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp tính chuyện cắt giảm sản lượng. Vô hình chung, trong khi tổng lượng tiền giao dịch, dù đang được nén xuống nhưng thiếu hụt nguồn cung khiến giá cả vẫn còn khả năng điều chỉnh tăng.

Trong khi đó, những điều chỉnh mạnh tay không khỏi dẫn đến những tác động tâm lý nhất định. Cuối kỳ chốt giá tháng 3, thị trường ngoại tệ, vàng bị kiểm soát chặt dẫn tới giao dịch ảm đạm, riêng giao dịch ngoại tệ “chợ đen” đóng băng. Mặc dù chưa thấy sóng “thoát hàng” trên hai thị trường này nhưng thông tin tích cực là xu hướng giá đang về mức ổn định hơn, đặc biệt giá USD đang về gần với tỷ giá giao dịch chính thức.

Trong bối cảnh nhiều tác động trái chiều trên, chỉ số giá tiêu dùng chịu áp lực lớn từ giá lương thực, thực phẩm và nguyên liệu đốt đã tăng khá cao trong tháng này.

Qua quan sát thị trường tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội và Tp.HCM gần đây, chúng tôi dự đoán nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng sẽ là những nhóm tăng mạnh nhất trong tháng 3.
Trần Lê Minh – NDHMoney

Comments are closed.