Cải cách thị trường ngoại hối chính thức để xoá bỏ chợ đen

15/03/2011 // No Comment // Categories: Ngoại hối.

Việt Nam đang tồn tại hai loại tỷ giá: tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do (hay “chợ đen”). Các cơ quan chức năng đang dùng các biện pháp hành chính để dẹp bỏ thị trường chợ đen. Tuy nhiên, đây không phải là một cách tiếp cận căn cơ.

Cách tốt nhất là chính thức hoá phần lớn nhu cầu ngoại tệ của người dân vốn chỉ có thể được đáp ứng trên thị trường chợ đen.

Thị trường ngoại hối hoạt động như thế nào?

Thị trường ngoại hối của một quốc gia thực chất là thị trường liên ngân hàng. Khác với thị trường chứng khoán, mã giao dịch của thị trường ngoại hối là các cặp tỷ giá so với đồng bản tệ, chẳng hạn USDVND, EURVND, GRBVND v.v.

Cũng khác với thị trường chứng khoán, nơi giá của các cổ phiếu niêm yết được xác định thông qua giao dịch cận biên trên một sàn thị trường tập trung, ở đây, giao dịch được thực hiện một cách phi tập trung. Các nhà đầu tư sẽ giao dịch với các ngân hàng thông qua các nhà môi giới. Đến lượt, các ngân hàng sẽ mua bán ngoại tệ với nhau thông qua các sàn EBS hoặc Reuters để duy trì trạng thái ngoại hối của mình.

Tất cả các giao dịch giữa các bên, dù giữa nhà đầu tư với các ngân hàng hay giữa các ngân hàng với nhau, đều được thực hiện độc lập với các mức tỷ giá riêng rẽ.

Tuy nhiên, do sự cạnh tranh giữa môi giới và ngân hàng, các mức tỷ giá này có xu hướng ngang bằng nhau. Cũng vì sự cạnh tranh, mức chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán (bid-ask spread) mà các ngân hàng áp dụng thường cũng thấp.

Mức tỷ giá liên ngân hàng mà chúng ta biết thường có tính ước lệ do các ngân hàng niêm yết hoặc các hãng thông tấn thu thập trên thị trường liên ngân hàng.

Trên thị trường liên ngân hàng, ngân hàng trung ương hay ngân hàng Nhà nước (NHNN) đóng vai trò như là một nhà tạo lập thị trường. Thông qua các hoạt động mua và bán ngoại tệ với các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN có thể điều tiết tỷ giá trên thị trường xung quanh mức mục tiêu mà mình mong muốn.

Vì sao thị trường ngoại tệ chợ đen phát triển?

Thị trường “chợ đen” của Việt Nam phát triển vì nhu cầu đầu tư và sử dụng ngoại tệ của các cá nhân không được thị trường liên ngân hàng và hệ thống NHTM đáp ứng.

Người dân nhìn thấy các cơ hội gia tăng tài sản của mình khi nắm giữ ngoại tệ nhưng không thể tham gia vào thị trường liên ngân hàng. Điều này ắt dẫn đến nhu cầu mua và nắm giữ ngoại tệ trên thị trường chợ đen.

Người dân nhìn thấy các cơ hội gia tăng tài sản của mình khi nắm giữ ngoại tệ nhưng không thể tham gia vào thị trường liên ngân hàng. Điều này ắt dẫn đến nhu cầu mua và nắm giữ ngoại tệ trên thị trường chợ đen.

Tương tự, người dân luôn có nhu cầu sử dụng ngoại tệ, chẳng hạn cho mục đích du lịch nước ngoài hoặc khám chữa bệnh. NHTM không thể đáp ứng hết được các nhu cầu này. Kết quả là họ tìm đến chợ đen.

Với nguồn cung hàng tỉ USD mỗi năm từ kiều hối, thị trường chợ đen ngày càng lớn mạnh. Do tỷ giá liên ngân hàng không đến được với dân chúng nên tỷ giá tự do trở thành tín hiệu chính để hầu hết các thành phần kinh tế tham chiếu cho các tính toán kinh tế của mình.

Cách tốt nhất để hạn chế sự phát triển của thị trường chợ đen là hợp thức hoá phần lớn các nhu cầu về ngoại tệ mà người dân chỉ có thể được đáp ứng thông qua chợ đen.

Mở rộng đối tượng tham gia đầu tư và môi giới

Hiện nay, trên thị trường liên ngân hàng của Việt Nam, chỉ có các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu được tham gia mua bán trên thị trường liên ngân hàng thông qua các chi nhánh của các NHTM trong vai trò môi giới.

Nên mở rộng đối tượng môi giới ra các tổ chức được NHNN (hoặc một uỷ ban quản lý thị trường ngoại hối) cấp giấy phép, ví dụ như các công ty chứng khoán, các “nhà cái” ngoại tệ trên thị trường chợ đen. Khi đó, các chi nhánh của NHTM sẽ phải cạnh tranh với các nhà môi giới mới này trong việc mua bán ngoại tệ.

Trong thị trường ngoại hối, mọi mục đích sử dụng ngoại tệ như xăng dầu hay mỹ phẩm cần được đối xử bình đẳng. Các đối tượng này sẽ đều phải mua ngoại tệ với tỷ giá như nhau, phản ánh cung – cầu ngoại tệ của toàn bộ nền kinh tế.

Các quỹ đầu tư và các cá nhân nên được phép tham gia đầu tư trên thị trường liên ngân hàng thông qua các nhà môi giới. Việc đầu tư vào ngoại tệ cũng tương tự như việc đầu tư vào các loại tài sản khác.

Nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch ngoại tệ tại các công ty môi giới tương tự như tài khoản chứng khoán rồi nạp VND hoặc USD vào tài khoản và giao dịch mua bán ngoại tệ.

Khi muốn rút tiền, họ sẽ phải bán ngoại tệ ra thị trường để lấy VND. Bằng cách này, tuy họ có tài khoản đầu tư bằng ngoại tệ nhưng trên thực tế ngoại tệ không chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Tách hoạt động sử dụng ngoại tệ khỏi đầu tư

Hiện tại hoạt động sử dụng ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu cũng như của cá nhân không được tách bạch khỏi hoạt động đầu tư.

Nên cho các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như người dân được mua ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá hoặc đi du lịch/công tác nước ngoài từ các NHTM. Việc này sẽ tương tự như người dân ra nước ngoài sử dụng thẻ Visa. Họ được mua với tỷ giá thống nhất cộng với một tỷ lệ phí nhất định do rút ngoại tệ ra khỏi hệ thống liên ngân hàng.

NHTM sẽ áp dụng các mức phí khác nhau cho các đối tượng là doanh nghiệp hoặc khách hàng cá nhân. Nhà nước có thể quy định các tỷ lệ tối thiểu cho các đối tượng này.

Hiện nay, ở châu Âu, bên cạnh mức phí tối thiểu, người dân muốn sở hữu ngoại tệ sẽ phải trả thêm từ 1 – 2% cho các khoản mua ngoại tệ cho các mục đích cá nhân.

Thủ tục mua ngoại tệ nên đơn giản. Với lượng mua thấp, chẳng hạn dưới 1.000 USD, người dân chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân. Với lượng mua lớn hơn, họ phải khai mục đích sử dụng.

Bởi tỷ giá mua ngoại tệ tiền mặt thường cao hơn tương đối so với tỷ giá liên ngân hàng nên việc đầu tư bằng cách mua ngoại tệ gửi tiết kiệm thường không phải là lựa chọn của nhà đầu tư.

NHNN: bỏ tư duy phân phối

Trong một nền kinh tế thị trường, giá cả cần phải bình đẳng cho mọi đối tượng và mục đích sử dụng. Nếu Nhà nước muốn hỗ trợ đối tượng nào hãy sử dụng chính sách tài khoá.

Trong thị trường ngoại hối, mọi mục đích sử dụng ngoại tệ như xăng dầu hay mỹ phẩm cần được đối xử bình đẳng. Các đối tượng này sẽ đều phải mua ngoại tệ với tỷ giá như nhau, phản ánh cung – cầu ngoại tệ của toàn bộ nền kinh tế. Nếu Nhà nước muốn trợ giá cho xăng dầu hay hạn chế việc mua mỹ phẩm, hãy áp dụng các biện pháp thuế quan.

Chỉ với tư duy này NHNN mới thực sự đóng vai trò là người tạo lập và điều tiết thị trường ngoại hối. Là một tay chơi nắm thông tin rõ ràng nhất và có vốn lớn nhất, NHNN chắc chắn sẽ nhanh chóng làm giàu được quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia tương tự như các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan thực hiện sau năm 1997.

Theo Đinh Tuấn Minh
SGTT

Comments are closed.