Thị trường ngoại hối quý I/2011 đã bớt căng thẳng

08/04/2011 // No Comment // Categories: Ngoại hối.

Chuyên gia tài chính của Ngân hàng ANZ nhận định, với nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tình hình thị trường ngoại hối quý I/2011 đã bớt căng thẳng.

Bà Phan Thị Thanh Bình, đồng Giám đốc Khối Thị trường tài chính, Ngân hàng ANZ cho rằng, nhìn lại quý I/2011 2011, có thể thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong điều hành chính sách tiền tệ, nhằm triển khai các biện pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã giúp thị trường ngoại hối bớt căng thẳng.

Đáng chú ý là, nhóm giải pháp mang tính chính sách đã có những tác động rõ rệt, như việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD và biên độ giao dịch trong tháng 2/2011, giảm chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và thị trường tự do. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bên liên quan cũng tổ chức kiểm soát chặt chẽ giao dịch ngoại hối trên thị trường tự do và đến nay, thị trường tự do đã gần như “đóng băng”. Cùng lúc, thị trường vàng cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn trước.

Tuy vậy, áp lực về tỷ giá được cho là sẽ vẫn cao, do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, các dòng kiều hối tăng lên, thu nhập từ dịch vụ và giải ngân FDI đã phần nào làm giảm bớt áp lực lên cán cân thanh toán, nhưng thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán dự báo vẫn ở mức cao, vì Việt Nam tiếp tục nhập khẩu máy móc, xăng dầu và các nguyên vật liệu đầu vào khác phục vụ cho làm hàng xuất khẩu. Thêm vào đó, lòng tin của người dân và doanh nghiệp trong nước vào VND ít nhiều suy giảm, tạo xu hướng chuyển các tài sản bằng VND sang nắm giữ USD và vàng.

Theo thống kê, quý I/2011, thâm hụt cán cân thương mại là 3,03 tỷ USD, chiếm hơn 1/4 chỉ tiêu cả năm 2011 là 12 tỷ USD. Trong khi, quý IV mới là thời điểm căng thẳng nhất của hoạt động xuất – nhập khẩu và tác động mạnh đến thâm hụt cán cân thương mại. Do đó, nếu không có các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, sẽ khó đảm bảo chỉ tiêu thâm hụt cán cân thương mại cho cả năm 2011 và tiếp tục gây áp lực mạnh lên tỷ giá.

Tỷ giá cũng phải chịu áp lực đáng kể do lạm phát vẫn ở mức cao. Hết quý I/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã là 6,12%, cao hơn rất nhiều so với mức 4,12% trong quý I/2010. Lạm phát cao khiến niềm tin vào giá trị VND giảm và đó là áp lực lớn đối với tỷ giá.

Trong khi đó, hiệu quả của các chính sách, công cụ hành chính sẽ giảm dần, sau khi đã phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Còn khả năng can thiệp vào thị trường của cơ quan quản lý cũng hạn chế do nguồn ngoại hối dự trữ khá khiêm tốn.

Ngoài ra, tỷ giá sẽ còn chịu một áp lực nữa, khi Thông tư 07/2011/TT của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng có hiệu lực từ tháng 5 tới. Thông tư này quy định chặt chẽ hơn về cho vay ngoại tệ. Dù vậy, ông Paul Gruenwald, Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á của ANZ tin tưởng rằng, các yếu tố căn bản trong trung hạn của Việt Nam vẫn rất thuận lợi, Chính phủ đang có các biện pháp mạnh mẽ để chống lạm phát và thắt chặt tiền tệ, giúp giảm dần áp lực lên tỷ giá.

“Thực tế cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ở châu Á cho thấy, các nền kinh tế gặp vấn đề đều có điểm chung là neo đồng nội tệ cố định với USD, tạo điều kiện cho giới đầu cơ hưởng lợi. Do đó, tôi cho rằng, chính sách điều chỉnh tỷ giá linh hoạt mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang áp dụng là rất có lợi và cần theo xu hướng ngày càng linh hoạt hơn, áp lực tỷ giá sẽ giảm đáng kể”, ông Paul Gruenwald nhận định.(Nguồn: Đầu tư, 8/4)

Comments are closed.