IMF: Các nền kinh tế mới nổi ứng phó chưa đủ mạnh với lạm phát

19/04/2011 // No Comment // Categories: Tin thế giới.

Ngày 18/04, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích các quốc gia đang phát triển vì các biện pháp ứng phó chưa đủ mạnh trước sự tăng vọt của dòng tiền nóng vào các thị trường. Theo IMF, hậu quả của tình trạng này có thể là sự hạ cánh cứng (hard landing) của các nền kinh tế.

Sau cuộc họp với các Bộ trưởng Tài chính G20 hôm thứ Sáu tuần trước tại thủ đô Washington, IMF nhận định dòng vốn đầu cơ khổng lồ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các thị trường mới nổi nhưng cũng là nguyên nhân khiến lạm phát leo thang. Theo IMF, biện pháp ứng phó của các Chính phủ chưa đủ mạnh để giải quyết những áp lực ngày càng cao này và đây có thể là dấu hiệu cho nguy cơ hạ cánh cứng của các nền kinh tế.

IMF cho biết mặc dù dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi đã chậm lại và thậm chí trong một số trường hợp còn bị thất thoát nhưng lượng vốn này vẫn còn cao và dễ biến động.

Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi đã có cố gắng trong việc ngăn chặn dòng vốn này thông qua sự kết hợp của các chính sách kinh tế vĩ mô cũng như một số biện pháp kiểm soát dòng vốn nhưng lại trì hoãn các biện pháp ứng phó mạnh tay hơn như nâng lãi suất.

IMF cho rằng Brazil vẫn còn khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi đó Trung Quốc nên giảm sự phụ thuộc vào các biện pháp định lượng cũng như nâng dự trữ bắt buộc và nên tập trung hơn vào việc nâng lãi suất.

Tuần trước, IMF cảnh báo áp lực tăng trưởng quá nóng đang gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi và điều này có thể dẫn đến bong bóng tài sản. Các quốc gia như Brazil phản bác lại điều này bằng cách đổ thừa mức lãi suất gần 0% tại Mỹ đã khiến nhà đầu tư đổ xô đi tim kiếm lợi nhuận, đồng thời cho rằng IMF nên chú ý hơn đến nguồn gốc của dòng vốn.

IMF nhận xét đà phục hồi tại các nền kinh tế phát triển đang diễn ra quá chậm. Tại Mỹ, với sự cải thiện nhỏ giọt của thị trường nhà ở và lao động, nếu không có biện pháp gia tăng xuất khẩu, nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trưởng ảm đạm.

Tổ chức này nhận định việc đồng USD tiếp tục mất giá so với các đồng tiền bị định giá thấp khác có thể giúp Mỹ cắt giảm được thâm hụt tài khoản vãng lai. IMF nhắc lại rằng đồng Nhân dân tệ vẫn bị định giá quá thấp, trong khi giá trị của đồng EUR và đồng JPY khá phù hợp với các yếu tố vĩ mô.

Theo IMF, rủi ro giá dầu có thể trở về mức đỉnh năm 2008 sát 150 USD/thùng ngày càng gia tăng.

Giá dầu thế giới đã tăng lên tới 127 USD/thùng vào tháng này do lo ngại rằng xung đột kéo dài tại Libya có thể ảnh hưởng tới nguồn cung. IMF cho biết sự cắt giảm nguồn cung dầu tại Libya cũng tương đương với các diễn biến của cuộc chiến tranh Iraq vào năm 2003. Được biết, mức sản lượng mà Libya cắt giảm, tương đương với 1.5% nguồn cung toàn cầu, đã được bù đắp bằng việc gia tăng sản lượng tại các quốc gia khác.

Theo Vietstock

Comments are closed.