Tại sao những “ông lớn” nhà nước trở thành “chúa Chổm”?

22/04/2011 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Năm 2009, Công ty cho thuê tài chính II (thuộc Agribank) lỗ 3.000 tỷ đồng; năm 2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 8.000 tỷ đồng; còn trong quý I/2011, Tổng công ty dầu khí Việt Nam (Petrolimex) lỗ 2.650 tỷ đồng…

Đó là những con số sơ bộ được Kiểm toán nhà Nước công bố cũng như các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước chính thức công bố. Điều khiến người ta suy nghĩ là chỉ riêng với 3.000 tỷ đồng, đó cũng đã là gần một nửa số tiền (7.000 tỷ đồng) mà Chính phủ dự định giảm thuế thu nhập cho 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó cũng vừa bằng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ đột xuất (bao gồm cả hỗ trợ tiền điện) cho 15 triệu người nghèo và đối tượng chính sách. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, nếu công khai minh bạch, con số lỗ thực của nhiều doanh nghiệp Nhà nước có thể cao hơn nhiều lần.

Chính sách thiếu minh bạch

Đánh giá về những con số trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng, câu chuyện hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã được đặt ra từ lâu. Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, mỗi đơn vị có đặc thù, nguyên nhân thua lỗ riêng, nhưng như vậy cũng cần xem lại hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Từ câu chuyện thua lỗ của EVN, ông Thiên cho rằng, trong nhiều trường hợp Nhà nước kìm giữ giá để ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng con số lỗ như EVN công bố là không ổn. “Cần xem lại cả cơ chế vận hành, từ chủ sở hữu đến vai trò của đơn vị quản trị vốn”, tiến sĩ Thiên nói và cho rằng đáng lẽ Nhà nước phải nắm rõ chi phí quản lý của ngành điện cao hay thấp, phải minh bạch những chi phí này để rút ra kết luận xác đáng.

Đồng tình quan điểm này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là thấp hơn khu vực kinh tế tư nhân. Điều này đã được thể hiện rõ qua chỉ số ICOR (chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư tính trên lượng vốn cần tăng thêm để đạt mức gia tăng một đơn vị sản lượng) của khu vực doanh nghiệp Nhà nước cao, đồng thời cũng thể hiện chỉ số tài sản cố định hình thành qua đầu tư rất thấp, chỉ vào khoảng 60% (nghĩa là Nhà nước đầu tư 100 đồng thì chỉ có 60 đồng là tài sản cố định). Theo tiến sĩ Doanh, đối với những công trình khó kiểm soát như: thủy lợi, đập, đê, kè, tỷ lệ đó còn thấp hơn, chỉ vào khoảng 40%. “Đó là điều rất đáng lo ngại và nó cũng thể hiện rõ tính công khai minh bạch rất thấp, việc lựa chọn dự án, việc thực hiện dự án không công khai và không có sự giám sát rõ ràng”, tiến sĩ Doanh nói và cho rằng điều này cũng liên quan đến chính sách bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước không công khai và cũng không rõ tiêu chuẩn để bổ nhiệm.

“Chỉ thấy nợ nần triền miên”

Theo ông Doanh, điển hình là vụ Vinashin, sau khi ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT bị bắt, bổ nhiệm người kế tiếp cũng chỉ được 21 ngày cũng bị bắt… Qua đó, người ta thấy rõ sự lộn xộn. Điều này đòi hỏi cấp bách phải đổi mới cơ chế, phải có công khai minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình mới tránh được. “Ví dụ như Trung Quốc, người ta lập một nhóm chuyên môn, xem xét, dưa ra một loạt nhiệm vụ như: năng suất lao động tăng bao nhiêu, giảm chi phí, tăng cường xuất khẩu, giảm tiêu hao nhiên liệu… Tất cả những điều đó được công bố công khai, ai có phương án làm được, đưa ra và họ thành lập hội đồng thẩm định, xem xét các phương án đó để bổ nhiệm trên cơ sở đã cam kết thực hiện những yêu cầu này. Nếu thực hiện được thì tăng lương, không thực hiện được sẽ bị trừ lương, sau 2 năm không thực hiện được sẽ bị thay bằng người khác”, TS Doanh nói và cho rằng, lúc đó sẽ rõ ràng. “Vì vậy, cứ nói tập đoàn này là “quả đấm thép”, “quân đoàn chủ lực”, … nhưng không thấy vai trò chủ lực đâu, chỉ thấy nợ nần triền miên và thua lỗ rất lớn”, ông Doanh nhận xét.

Trong khi đó, theo bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nên để kiểm toán vào làm việc một cách triệt để và toàn diện hơn ở các doanh nghiệp Nhà nước. “Những khoản lỗ như EVN công bố là rất lớn và những khoản nợ gần đây của Petrolimex cũng rất lớn. Lẽ ra điều này có thể làm được sớm hơn nhiều, vì năm 2010, khi Quốc hội đưa ra chuyên đề giám sát đối với các tập đoàn nhà nước, bức tranh sơ bộ về những đơn vị này đã được phác họa”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói và cho rằng, điều đáng suy nghĩ là không ai biết đâu là sự thật, vì số lỗ có thể lớn hơn nhiều. Bởi mới chỉ có vài đơn vị đã có số lỗ lớn như vậy, vậy số nợ thật sự của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là bao nhiêu?(Nguồn: Đất Việt, 22/4)

 

Comments are closed.