Ngân hàng Việt “xuất ngoại”: Có chậm chân?

30/12/2010 // No Comment // Categories: Tài chính - Ngân hàng.

Có 5 ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang thiết lập sự hiện diện chính thức ở nước ngoài. Liệu hướng đi này có chậm chân, khi ngay chính thị trường mới nổi như Việt Nam cũng đã có ngân hàng ngoại bề dày lịch sử hơn cả trăm năm?

Đến 2010, Ngân hàng HSBC đã có mặt tại Việt Nam 140 năm, kể từ khi mở văn phòng đầu tiên tại Sài Gòn (nay là Tp.HCM) vào năm 1870. So sánh là khập khiễng, nhưng để thấy chiến lược hoạt động đa quốc gia đã được triển khai từ rất sâu trong quá khứ của nhiều ngân hàng trên thế giới.

Với các nhà băng Việt Nam, những năm gần đây, kế  hoạch mở văn phòng đại diện, chi nhánh và sắp tới là ngân hàng 100% vốn trực thuộc tại nước ngoài vẫn là những sự kiện mới mẻ, cũng không loại trừ có cả sự hoài nghi.

Không đơn độc

Một tháng sau ngày nhận giấy phép, cuối tháng 12 này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) chính thức mở chi nhánh tại Lào. Kế hoạch “xuất ngoại” với giá trị đầu tư ban đầu 12 triệu USD của MB là sự hòa nhịp hướng đi của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) những năm gần đây. Hiện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đang lên kế hoạch tương tự.

Điểm đến chung của những thành viên này là khu vực các nước ASEAN, thêm điểm ngắm xa hơn là một số thị trường phát triển khác trong dự tính của lãnh đạo MB. Trong đó, sự cụ thể đã có tại Lào và Campuchia; sắp tới là Myanmar với chiến lược của Sacombank đã trình Đại hội cổ đông. Theo đánh giá chung, đây là những thị trường tài chính đang ở giai đoạn đầu của bước phát triển mới, hứa hẹn nhiều cơ hội. Riêng Lào và Campuchia, thị trường vốn đã bắt đầu định hình khi thị trường chứng khoán vừa chính thức hoạt động. Mặt khác, đây là hai quốc gia của quan hệ thương mại và giao dịch mậu biên truyền thống với Việt Nam.

Nhưng có  một lý do của hướng “xuất ngoại” này chỉ  thực sự thể hiện rõ trong hai năm trở  lại đây. Các ngân hàng không đơn độc, ý đồ chiến lược còn mở rộng ở các mảng kinh doanh khác với sự nhập cuộc của các công ty thành viên.

2010 là  năm khá đặc biệt đối với Sacombank. Hai chi nhánh tại Lào và Campuchia sau khi cắt lỗ đã bắt  đầu cho lợi nhuận. Đặc biệt hơn, đầu tháng 11 này, Công ty Chứng khoán Sacombank-SBS cũng đã chính thức nhận giấy phép hoạt động tại Campuchia. Hay với BIDV, đơn vị thành viên là Tổng công ty Bảo hiểm BIC cũng bắt đầu có thu từ liên doanh bảo hiểm với Lào. Với MB, hoạt động tiền trạm và sự hậu thuẫn đã được cổ đông chiến lược Viettel thu xếp tại Lào. Và sẽ không ngạc nhiên nếu trong tương lai gần, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) – đơn vị thành viên của MB – cũng có mặt tại thị trường này…

Chưa muộn ở cơ hội

Dĩ nhiên, so với nhiều ngân hàng trên thế giới, những thành viên nói trên của Việt Nam là muộn. Điều này được giải thích ở con đường “xuất ngoại” không đơn giản. Các ngân hàng trước hết phải đảm bảo được các yêu cầu về năng lực tài chính, đơn cử như kế hoạch của Sacombank tại Trung Quốc buộc phải tạm ngừng do các rào cản kỹ thuật cao của nước sở tại.

Thêm vào  đó, trước khi nhập cuộc còn đòi hỏi một quá  trình tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm. Với những thị trường mới, bên cạnh những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, yếu tố cạnh tranh nội tại, một khó khăn nổi bật là yêu cầu nắm rõ môi trường pháp lý để tuân thủ trong hoạt động, bởi có những khác biệt so với “thị trường mẹ”. Và tất nhiên, tiềm năng – cơ hội là một trong những yếu tố quyết định đầu tư hay không.

Với những điểm đến ban đầu của các ngân hàng Việt Nam như  Lào và Campuchia, quy mô và tầm phát triển của thị trường còn hạn chế, nhưng lại được đánh giá cao ở tiềm năng. Không phải ngẫu nhiên mà một số ngân hàng nước ngoài khác như từ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang để ý đến những thị trường này – theo thông tin từ lãnh đạo MB.

Đi trước là lợi thế, nhất là khi Lào, Campuchia là hai quốc gia có đường biên giới cận biên, giao thương phi mậu dịch xưa nay lớn với sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp các nước. “Về thời gian, có thể là muộn so với các tổ chức tài chính đa quốc gia trên thế giới ở hướng “xuất ngoại”, nhưng thực tế tại đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ thương mại truyền thống. Đó là sự tích lũy thuận lợi để chúng tôi kết nối cho kế hoạch chính thức hiện diện sắp tới. Theo đó, chúng tôi đã có sự chuẩn bị về chiều sâu, chứ không hẳn đến lúc này mới nhập cuộc”, một lãnh đạo của Ngân hàng Quân đội (MB), giải thích.

“Đồng hành với các đối tác, cổ đông và khách hàng của mình, MB cần có mặt tại hai thị trường đó để phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, liên quan tới vốn, phương tiện thanh toán, kinh doanh ngoại tệ… Đấy là mục tiêu đầu tiên mà MB hướng đến. Mục tiêu thứ hai, đây là những thị trường đang phát triển, tạo ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực ngân hàng. MB đã có nhiều kinh nghiệm từ khi thị trường tiền tệ Việt Nam còn non trẻ, và hy vọng những kinh nghiệm này sẽ có ích tại các thị trường như vậy”, bà Nga nói thêm.

Trước MB, Viettel đã đặt chân đến hai thị trường này và bước đầu thành công. Hiện nay, về thị phần, Viettel đang đứng đầu tại Campuchia và đứng thứ hai tại Lào, và đều đã có lãi chỉ sau 1 – 2 năm hoạt động. Các doanh nghiệp Việt Nam khác hiện cũng đã hoạt động nhiều tại Lào và Campuchia, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu.

Với hoạt  động ngân hàng, theo phân tích của bà Nga, một lợi thế khác của các ngân hàng Việt Nam nói chung và  MB nói riêng khi thâm nhập hai thị trường trên là  năng lực quản trị, năng lực tài chính và công nghệ. Đây là những yếu tố nền tảng quyết định thành công trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù này.

Sau Lào, năm tới điểm đến dự kiến của MB là Capuchia. Kế hoạch cũng đã được xác định, đến hết năm 2015, MB Lào sẽ là chi nhánh thuộc top 5 chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tổng sản lớn và là top 3 chi nhánh ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản cao nhất tại đây.

Theo Vneconomy

Comments are closed.