Hôm nay, hàng loạt quy định quan trọng có hiệu lực

01/07/2011 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Kể từ hôm nay (1/7), hàng loạt quy định quan trọng như Thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, Luật bảo vệ người tiêu dùng hay hàng nhập khẩu vào Việt Nam buộc phải đăng ký xuất sứ… sẽ chính thức có hiệu lực. Đây được xem là những quy định quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, cũng như người tiêu dùng.

Chính thức Thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2011 thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được đưa vào vận hành giai đoạn thí điểm.

Theo đó, thị trường điện Việt Nam dự kiến sẽ được phát triển theo 3 cấp độ, mỗi cấp độ được thực hiện theo 2 bước thí điểm và hoàn chỉnh với thời gian dự kiến như sau: Cấp độ 1: Thị trường phát điện cạnh tranh (giai đoạn 2005 – 2014). Cấp độ 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (giai đoạn 2015 – 2022). Cấp độ 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (giai đoạn sau 2022).

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát để ban hành các quy trình thanh toán giữa các khâu trong thị trường phát triện cạnh tranh, bảo đảm tính chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với quy định hiện hành về công tác kế toán, tài chính.

Hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải đăng ký xuất xứ

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức ban hành Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT, hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu.

Theo Thông tư này, sẽ có 5 nhóm hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm đó là: Hàng hóa mang theo người để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; Hàng hóa trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu; Hàng hóa gửi kho ngoại quan; Hàng hóa là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau: Sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa theo quy định của Việt Nam; bao gói hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp; ghi nhãn, bao gồm các thông tin: tên hàng hóa, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; mã số (nếu có) và các thông tin khác (bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt) theo quy định.

Doanh nghiệp nhà nước phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 31/5/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 13/2011/TT-NHNN quy định việc mua, bán ngoại tệ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Theo thông tư này, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước bao gồm cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50% theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005 và không phải là tổ chức tín dụng thực hiện nghĩa vụ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Số ngoại tệ buộc phải bán là số ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn và không kỳ hạn của các tổ chức trên gửi tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm ngày 1/7/2011, cũng như số ngoại tệ thu được từ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp (trừ các nguồn thu từ giao dịch vốn) của các tổ chức này phát sinh từ ngày 1/7.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đi vào thi hành từ ngày 1/7/2011. Đây là khung luật pháp mới có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ bảo vệ người tiêu dùng.

So với quy định trước đây, Luật có những điểm tiến bộ rõ rệt, trong đó đáng chú ý là Luật quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo luật này, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, Luật cũng đã có riêng một chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án.

Học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề được miễn, giảm học phí

Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục.

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2011, học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề cũng là một trong các đối tượng được trợ cấp, miễn, giảm học phí và ưu tiên trong tuyển sinh.

Lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô chở người

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 91/2009/NĐ-CP, đến ngày 1/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Được biết, lộ trình gắn thiết bị giám sát hành trình cho xe ô tô được quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định 91/2009/NĐ-CP như sau:

Đến ngày 1/7/2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình;

Đến ngày 1/1/2012, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Đến ngày 1/7/2012, các xe ô tô vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải gắn thiết bị giám sát hành trình.(Nguồn: Vnmedia, 1/7)

Comments are closed.