HSBC: Lãi suất có thể sẽ giảm thêm 1%

02/08/2012 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Mặc dù lạm phát đã được kìm chế với chỉ số lạm phát giảm còn 5% trong tháng 7 từ mức đỉnh điểm 23% của năm 2011, nhưng nhu cầu yếu đã khiến ngành sản xuất tiếp tục chậm lại. Điều này góp phần để HSBC dự báo sẽ có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Những vấn đề cần giải quyết

Theo báo cáo về Kinh tế Vĩ mô – Triển vọng thị trường Việt Nam Tháng 8/2012 của HSBC, với thực trang tiêu dùng còn đang rất trì trệ, Việt Nam cần thiết có các biện pháp cải cách về cấu trúc nhằm giải quyết các vấn đề cố hữu trong nền kinh tế.

Có một số biện pháp đã được áp dụng từ năm ngoái nhằm thắt chặt tín dụng và kìm hãm nhu cầu. Lạm phát đã giảm từ mức đỉnh điểm 23% trong tháng 08/2011 xuống còn 5% trong tháng 7 năm nay. Thêm vào đó, cán cân thương mại của 7 tháng đầu năm cũng thu hẹp chỉ còn 58 triệu USD so với con số 6 tỷ USD cùng kỳ năm 2011. Tiền đồng Việt Nam cũng khá ổn định kể từ đầu năm. Hơn nữa, nguồn dự trữ ngoại hối cũng tăng lên nhờ vào thâm hụt thương mại đã được cải thiện và nguồn vốn FDI được giải ngân dồi dào. Chính phủ cũng vừa thông qua một số nghị quyết nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, HSBC cho rằng, hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề cần được giải quyết:

Tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp (dưới 1% tính đến thời điểm hiện tại) cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước xuống thấp – một dấu hiệu thể hiện sự yếu kém về cơ cấu.

Các biện pháp thắt chặt tín dụng bộc lộ sự quá phụ thuộc vào tín dụng để duy trì tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Đây chính là một chiến lược thiếu tính bền vững do phương thức này làm tăng rủi ro hệ thống và góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát. Nhưng cùng lúc, động thái thắt chặt này cũng phản ánh cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vấn đề về nợ xấu trong hệ thống. Tỷ lệ tín dụng trên GDP giảm từ mức 121% trong năm 2010 xuống còn 108% trong năm 2011 (nhưng con số này vẫn còn rất cao so với 48% trong năm 2003). Quá trình cắt giảm nợ sẽ còn tiếp tục trong những năm tới.

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa giảm sút và tăng trưởng toàn cầu đang khá yếu. Chỉ số PMI của HSBC trong tháng 7 đã giảm từ mức 46.6 điểm trong tháng 6 xuống mức thấp nhất 43.5 điểm kể từ thời điểm bắt đầu vào tháng 4.2011. Ngành sản xuất chiếm khoảng 26% GDP của Việt Nam. Chỉ số PMI dưới 50 điểm cho thấy sự sút giảm so với tháng trước.

 

 

Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1% trong thời gian tới

Lạm phát toàn phần đã chậm lại từ mức 6.9% trong tháng 6 xuống còn 5.3%. Tính cả yếu tố điều chỉnh mùa vụ, giá cả đã tăng nhẹ 0.1% so với tháng trước sau khi đã giảm 0.1% trong tháng 6. Hầu hết sự suy giảm chỉ số lạm phát toàn phần đều do giá cả thực phẩm đã giảm từ 6.3% trong tháng trước còn 3.6% trong tháng 7 nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả thực phẩm của tháng 7 đã giảm 0.5% so với tháng 6 từ mức 0.2% trong tháng 6 so với tháng trước đó. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 7 sau khi loại bỏ giá cả thực phẩm và năng lượng vẫn còn cao ở mức 8.2% so với cùng kỳ năm ngoái (trong khi tháng 6 là 8.3%). Xét về mặt liên tục, lạm phát cơ bản đã tăng 0.6% so với tháng trước trong khi số liệu tháng 6 là 0.2%.

HSBC nhận định trong thời gian tới, lãi suất sẽ có thể được cắt giảm thêm 1% do tăng trưởng kinh tế vẫn yếu và lạm phát cơ bản sẽ giảm xuống đáy khoảng 7%. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất này cũng khó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động tín dụng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo rằng trần lãi suất huy động sẽ xuống dưới mức 8% (hiện tại đang là 9%) để buộc các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay (hiện tại đang là 15%). Ngân hàng nhà nước cũng sẽ có thể sử dụng các biện pháp hành chính để thuyết phục các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, HSBC cho rằng, một gói kích thích kinh tế tương tự như gói đã thực hiện vào năm 2009 khó có thể được sử dụng lại. Lý do thứ nhất, lạm phát cao trong năm 2011 đã làm cho tín dụng không còn là một giải pháp hấp dẫn, đặc biệt khi đa số tín dụng đều được rót vào những lĩnh vực kém hiệu quả. Lý do nữa là các biện pháp kích thích tài chính cho nền kinh tế thông qua chi tiêu Chính phủ đã không còn hấp dẫn khi các nhà làm chính sách vừa mới đây thông báo một chiến lược mới nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng như nhằm tăng cường hiệu quả của đầu tư công.

Tuy nhiên, HSBC khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng khi đã cắt giảm nợ và áp dụng những biện phát thúc đẩy năng suất mà sẽ đưa nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng nhanh.

Theo Vietstock

Comments are closed.