Lạm phát thấp không phải thời cơ tăng giá đầu vào

22/08/2012 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Với một nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư như Việt Nam, áp lực lạm phát rất dễ quay trở lại nếu chính sách tiền tệ và tài khóa không phối hợp một cách nhịp nhàng.

Đó là quan điểm của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Giá xăng, giá điện và một số mặt hàng đầu vào vừa tăng cấp tập, làm xuất hiện quan ngại cho rằng, lạm phát có thể quay trở lại. Bình luận của bà về vấn đề này?

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều quan điểm cho rằng, mức lạm phát từ đầu năm đến nay là quá thấp, nguy cơ giảm phát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, điều này là không đúng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức độ chấp nhận được, dù thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Tôi không muốn dự đoán về con số lạm phát dự kiến sẽ là 10% hay 8% trong năm nay. Quan điểm chung là vẫn có những nhân tố có thể khiến lạm phát tăng cao trở lại. Tôi cho rằng, đây chưa phải là lúc để nói rằng, lạm phát đã ổn và chúng ta có thể nới lỏng tiền tệ. Về việc tăng giá một số mặt hàng đầu vào, có thể các nhà quản lý muốn thị trường hóa các mặt hàng này, nhưng nếu cho rằng lạm phát tăng thấp là thời cơ để đẩy giá các mặt hàng đầu vào lên đồng loạt thì là một sai lầm, đặc biệt là khi hàng tồn kho đang là một nút thắt lớn nhất trong nền kinh tế.

 

Lạm phát nếu quay trở lại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng xử lý hàng tồn kho trong DN, mà đây được coi là nguyên nhân chính của vấn đề nợ xấu. Theo bà, xử lý vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, điều đầu tiên là cần thực sự nắm được bản chất của vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho nằm ở đâu, phạm vi như thế nào. Việc có những số liệu rõ ràng và lượng hóa các khoản nợ xấu là điều cần thiết. Tiếp đó, khi đã có được cái nhìn toàn cảnh về nó, chúng ta sẽ ước tính được chi phí cần thiết cũng như cơ chế chia sẻ chi phí để xử lý. Đồng thời, cần xem xét bức tranh tài khóa tổng thể, để từ đó đưa ra các quyết định xem vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho sẽ được giải quyết như thế nào, cần đến những cấu trúc và khung chính sách nào.

Trong vấn đề xử lý nợ xấu và xử lý hàng tồn kho thì một mình chính sách tiền tệ không thể giải quyết, mà phải cần quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ và sự tham gia của các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, để xử lý những nút thắt này không phải ngày một ngày hai. Điều tôi muốn nói là cần có các quyết định quyết liệt dựa trên cơ sở những số liệu, căn cứ vững chắc và sự tham gia của tất cả các cơ quan liên quan.

 

Trong bối cảnh hiện nay, bà có cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên hạ lãi suất nhanh hơn?

Câu chuyện về lộ trình cắt giảm lãi suất chỉ mang tính ngắn hạn. Điều mà các nhà hoạch định chính sách cần thực sự để tâm là những vấn đề cơ bản gây ra tính thiếu hiệu quả của nền kinh tế. Cắt giảm lãi suất hay đẩy tăng trưởng tín dụng lên thực ra rất dễ tiến hành và có thể trong ngắn hạn sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn chút ít, nhưng về dài hạn thì vấn đề vẫn còn đó. Bởi vì gốc rễ của sự thiếu hiệu quả liên quan đến DNNN, đầu tư công và khả năng giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng. Nếu những nút thắt này không được giải quyết thì việc cắt giảm lãi suất hiện tại dù có thể đạt tăng trưởng GDP 6% năm nay, nhưng vấn đề vẫn còn đó vào năm tới và Việt Nam vẫn chưa có được nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định về dài hạn.

Chính phủ lo ngại về mức tăng trưởng thấp và đó cũng là điều dễ hiểu. Nhưng câu hỏi ở đây là chúng ta muốn có được mức tăng trưởng GDP 6% vào năm nay và tiếp tục đối mặt với tăng trưởng thấp vào những năm tới, hay là muốn tiến hành những quyết sách mạnh mẽ vào lúc này để giải quyết câu chuyện thiếu hiệu quả của nền kinh tế, nhờ đó sẽ có được mức tăng trưởng kinh tế cao dần vào những năm tới.

 

Nhưng khi Việt Nam tăng trưởng thấp dưới mức tiềm năng thì có thể xuất hiện nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, thưa bà?

Đây có lẽ là câu chuyện con gà và quả trứng, cái gì gây ra cái gì. Tôi không nghĩ vì tăng trưởng thấp mà các nhà đầu tư không đến. Cái mà họ ngại nhất là môi trường kinh doanh và vĩ mô không ổn, khiến họ không thể lập được kế hoạch đầu tư một cách dài hạn.

 

NHNN vừa nới (trần) tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, bà đánh giá thế nào về động thái này?

Nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đưa ra trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng hiện tại vẫn thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc NHNN nới trần tăng trưởng tín dụng là có chọn lọc, xét trên việc ngân hàng nào có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích và hạn chế được rủi ro. Vì vậy, tôi không nghĩ việc nới trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng là quá rủi ro. Và nếu tính đến thực tế tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống vẫn đang thấp thì điều đó không đáng quan ngại.

Nhiều tổ chức nước ngoài cho rằng, quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ, trong khi chính sách tài khóa còn nhiều dư địa chưa sử dụng hết. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Sự ổn định dần dần của nền kinh tế vĩ mô trong thời gian qua cho thấy Chính phủ đã làm tốt công việc của mình, nhưng hiện chưa phải là giai đoạn cần nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh. Đồng thời, cần chú ý đến những nhân tố gây ra sự thiếu hiệu quả trong nền kinh tế, đó là đầu tư công, là tính thiếu hiệu quả của DNNN, là khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam trên trường quốc tế… Xử lý tốt những vấn đề này sẽ đảm bảo cho tương lai dài hạn của nền kinh tế.
Theo Hồng Dung – ĐTCK

 

Comments are closed.