Hoạt động M&A năm 2012 đa dạng với dấu ấn người Nhật

11/01/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Làn sóng người Nhật đến và mua sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2013 khi các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Nhật đang được chính phủ họ khuyến khích đầu tư ra nước ngoài khi thị trường trong nước đã bão hòa.

Chưa có số liệu thống kê về các M&A ở Việt Nam năm 2012, nhưng đặc điểm nổi bật là các giao dịch giá trị lớn và dấu ấn của người Nhật.

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của Việt Nam khép lại năm 2012 với thương vụ Ngân hàng Mitsubishi UFJ mua 20% cổ phần của VietinBank trị giá 743 triệu đô la Mỹ. Có thể xem đây là thương vụ bao quát ba đặc điểm lớn của lĩnh vực M&A trong năm qua, đó là tâm điểm tài chính, giao dịch giá trị lớn và dấu ấn người Nhật.

Đa dạng M&A

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang được coi là một tâm điểm của các thương vụ M&A, không chỉ năm 2012 mà kéo dài sang những năm tiếp theo. Sau vụ sáp nhập của ba ngân hàng SCB, Tinnghiabank và Ficombank năm 2011, đến lượt Vietcombank bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Mizuho (Nhật), rồi Habubank phải xóa tên mình để về với SHB.

Mới nhất sẽ là sự sáp nhập giữa Ngân hàng Phương Tây và Công ty Tài chính Dầu khí (mới được Thủ tướng phê duyệt đề án hồi cuối tháng 12-2012). Nhưng có lẽ vụ “đổi chủ” ở Sacombank là gây xôn xao nhiều nhất bởi vì những bí ẩn đằng sau đó đến nay vẫn chưa được hé mở.

Người Nhật đang được nhắc tới nhiều nhất trong các thương vụ M&A trong năm qua. Mở đầu bằng thương vụ Ezaki Glico mua 10% cổ phần của Kinh Đô và kết thúc bằng thương vụ với VietinBank nói trên. Làn sóng người Nhật đến và mua sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2013 khi các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Nhật đang được chính phủ họ khuyến khích đầu tư ra nước ngoài khi thị trường trong nước đã bão hòa.

Và rất nhiều vụ M&A có các doanh nghiệp Nhật tham gia đều có giá trị giao dịch rất lớn, chẳng hạn như Ngân hàng Mizuho trả đến 567 triệu đô la Mỹ mua 15% cổ phần của Vietcombank, hay mới đây Sumitomo Life mua lại 18% cổ phần của tập đoàn Bảo Việt từ HSBC với giá 340 triệu đô la Mỹ.

Năm 2012 chứng kiến nhiều kiểu M&A, từ hàng trăm triệu đô la Mỹ như của Vietinbank với Mitsubishi UFJ cho đến giá chỉ 1 đô la Mỹ như trường hợp Công ty Trường Sa mua Thái Sơn ở Hải Phòng. Giá mua cao, cũng khá phổ biến, cho thấy các đối tác quyết tâm đầu tư lâu dài, nhưng việc mua doanh nghiệp với giá 1 đô la Mỹ cũng chưa hẳn đã hời, vì bên mua phải ôm luôn một khoản nợ không nhỏ.

Bên cạnh đó, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trong nước mua trong nước mà còn một hiện tượng cũng đáng chú ý là doanh nghiệp trong nước mua lại cổ phần của nhà đầu tư ngoại. Thương vụ đáng chú ý là Công ty Hanel mua lại toàn bộ 70% số vốn còn lại của đối tác Hàn Quốc trong khách sạn Daewoo ở Hà Nội.

Giao dịch trị giá 100 triệu đô la Mỹ của Hanel là thương vụ đình đám nhất trong lĩnh vực bất động sản trong năm qua. Cuộc thoát hiểm không thành của bất động sản năm 2012 được chờ đợi sẽ tạo sóng lớn trong năm nay. Việc phải bán các dự án là việc chẳng đặng đừng, nhưng trong tình thế hiện nay, các chủ đầu tư không thể lựa chọn khác. Có những chủ dự án đã phải cắn răng chịu cảnh bị ngân hàng ép phải để cho ngân hàng mua chi phối dự án bằng với khoản tiền muốn vay, mới chịu giải ngân.

Thế nhưng, khó khăn của doanh nghiệp này chính là cơ hội của doanh nghiệp khác, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Thủy sản Hùng Vương, nói. Ông Minh cho biết mỗi khi kinh tế đi xuống là ông lại bung ra mua nhiều doanh nghiệp nhất. Những cái tên được Hùng Vương mua lần lượt là Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, Thủy sản An Giang, Lâm thủy sản Bến Tre, Thủy sản Tắc Vân và mới nhất là Thủy sản Sao Ta. Con số hẳn sẽ chưa dừng lại.

Một làn sóng đáng chú ý khác đến từ các quốc gia ASEAN. Sau khi mua 20% cổ phần của hai công ty nhựa lớn ở Việt Nam là Bình Minh và Tiền Phong, Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã chi gần 5.000 tỉ đồng để mua lại 85% cổ phần của Prime Group.

Semen Gresik của Indonesia mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long hay các tập đoàn từ Philippines cũng kịp ghi dấu ấn bằng các dự án bất động sản, xử lý nước và cả chuỗi cà phê Highland.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang trong tầm ngắm của các doanh nghiệp Singapore và Malaysia. Dĩ nhiên, trong làn sóng đó, các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng đã kịp để lại dấu ấn.

Nhưng không phải thương vụ M&A nào cũng thành công

Nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng M&A trong năm 2013 sẽ tiếp tục có những thương vụ giá trị lớn. Điều này được giải thích là do các nhà đầu tư đang muốn mua hay nâng dần tỷ lệ sở hữu trong doanh nghiệp để nắm quyền kiểm soát. Chính vì thế, thị trường cũng sẽ chứng kiến những sự giằng co.

Liệu Bibica có về tay Lotte của Hàn Quốc, hay Giấy Sài Gòn có giữ được mình trước hai đối tác Nhật Bản? Tân Hiệp Phát có thực sự muốn bán cho Coca-Cola với giá 1 tỉ đô la Mỹ như tin đồn? Tất cả vẫn đang là những câu hỏi khó trả lời.

Riêng về tin đồn Coca-Cola và Tân Hiệp Phát, một nguồn tin khả tín của TBKTSG khẳng định sẽ không có chuyện Tân Hiệp Phát bán, cho dù các cuộc thương thảo về việc này với Coca-Cola là có thật.

Vì sao các doanh nghiệp Việt Nam đang tỏ ra hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài? Các chuyên gia đưa ra nhiều kiến giải, tựu trung xoay quanh chuyện giá cổ phiếu ở Việt Nam đang ở mức không thể rẻ hơn nửa và diễn biến của thị trường vẫn còn xấu. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vốn nhiều tiềm lực đang tìm con đường thâm nhập thị trường nhanh, đồng thời kiểm soát thị trường một cách vững chãi.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng các nhà đầu tư này đang muốn đón đầu những cơ hội mới một khi thị trường ASEAN+1 được thực thi, cùng với các hiệp định như FTA, đặc biệt là TPP sắp được ký kết. Khi đó, hàng hóa ở Việt Nam sẽ có những thị trường hết sức lớn, lại được ưu đãi về thuế rất nhiều.

Nhiều chuyên gia lo ngại đến khi đó thị trường có thể chỉ còn là sân chơi của các đối tác nước ngoài và nhiều thương hiệu Việt cũng không còn. Việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trước mắt là có lợi nhưng về lâu dài có thể là cái bẫy “phản khách vi chủ”. Trong một ngày xấu trời không xa, những vị khách này có thể sẽ nắm lấy quyền chi phối, và các doanh nghiệp Việt Nam khi đó sẽ chỉ còn là một cổ đông nhỏ.

Chẳng hạn, một đối tác người Nhật đến và mua 10% cổ phần của một doanh nghiệp lớn trên thị trường Việt Nam. Việc mua bán rất công khai, minh bạch, trả giá cao gấp đôi so với giá thị trường. Cách khai thác là hợp tác cùng cho ra các sản phẩm mới, được phân phối trên hệ thống phân phối sẵn có của doanh nghiệp trong nước.

Một khi các sản phẩm chung này có chỗ đứng trên thị trường, rất có thể, đối tác Nhật Bản sẽ “ra riêng” bằng cách đưa sản phẩm hoàn toàn của họ vào hệ thống này, đồng thời đưa ra điều kiện để nâng dần tỷ lệ sở hữu lên. Hoặc có thể, họ sẽ sử dụng chiến thuật “thua lỗ” hay “chuyển giá” để ép doanh nghiệp trong nước.

Củ cà rốt bây giờ được cất đi, thay vào đó là cây gậy. Và khi đó, viễn cảnh về một tên tuổi lớn dẫn đầu trong ngành sẽ trở nên nhỏ nhoi, không cạnh tranh được với hàng của đối tác trước đây của mình.

Bất động sản: M&A thường được giấu kín

Khác với công ty nước ngoài vốn xem việc mua bán dự án là chuyện bình thường trong đầu tư và do vậy thường công khai hết mọi chuyện, nhiều doanh nghiệp địa ốc Việt Nam đang xem việc mua bán dự án là một sự thất bại trong kinh doanh, do vậy hoạt động này thường được giấu kín.

Chính vì tâm lý đó mà một công ty tư vấn nước ngoài đã phải vò đầu bứt tai trong việc tìm nhà đầu tư mua lại dự án của một doanh nghiệp trong nước, với một điều kiện là không được công bố thông tin rao bán. Nói như ông Nguyễn Nguyên Thái, Phó giám đốc Công ty CB Richard Ellis Vietnam, nhiều công ty trong nước sợ bị mất mặt khi đề cập đến việc mua bán sáp nhập, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn không muốn đổi tên dự án.

Năm 2012 đã chứng kiến cả chục thương vụ chuyển nhượng dự án, từ cao ốc văn phòng, khách sạn, sân golf và các dự án căn hộ chung cư. Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mua bán, sáp nhập hiện nay đều được thực hiện thông qua việc mua lại cổ phần của đối tác vì quy định hiện nay chưa cho phép sang nhượng dự án.

Ông Thái cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm tìm kiếm cơ hội tại thị trường bất động sản Việt Nam. Áp lực tài chính sẽ tiếp tục là thách thức lớn cho nhiều chủ đầu tư, và việc chuyển nhượng dự án được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2013.

 

Theo Phi Tuấn
TBKTSG

Comments are closed.