S&P giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm BB- của Việt Nam

10/07/2013 // No Comment // Categories: Tin tiêu điểm.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) hôm 28/6 quyết định giữ nguyên xếp hạng phát hành trái phiếu dài hạn của Việt Nam ở mức BB- và ngắn hạn ở B với triển vọng ổn định. Ngoài ra, S&P cũng giữ nguyên xếp hạng BB- đối với phát hành trái phiếu không bảo đảm cao cấp của Việt Nam.

“Các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy lựa chọn chính sách của Chính phủ nhấn mạnh tính ổn định và đòi hỏi phải giải quyết các bất cập về cơ cấu của hệ thống ngân hàng và khu vực quốc doanh”, chuyên gia phân tích tín dụng của S&P Agost Benard nhận định. Chuyên gia này cũng cho rằng: “Các biện pháp nhằm ổn định kinh tế được triển khai từ năm 2011 đã giúp giảm đáng kể sự mất cân đối kinh tế vĩ mô và cải thiện niềm tin vào nội tệ và tạo ra sự tín nhiệm hơn về chính sách”.

Theo S&P, rủi ro bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã giảm. Chính phủ mới đây đã hạ dự báo lạm phát xuống 6-7% so với 20% năm 2011. Tăng trưởng tín dụng giảm mạnh và nhu cầu nhập khẩu vừa phải giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai sau 1 thập kỷ thâm hụt.

Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được cải thiện nhờ nợ nước ngoài vẫn ở mức vừa phải, chi phí vay thấp, thời gian đáo hạn dài và tổng nợ nước ngoài sẽ vẫn dưới 50% GDP trong vòng 3 năm tới. Hơn nữa, theo S&P, nhu cầu vay nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ không vượt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối trong thời gian này.

Triển vọng xếp hạng ổn định cho thấy S&P kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì chính sách thắt chặt hợp lý, thúc đẩy cải cách ngân hàng và các cải cách khác trong khi duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ giúp Việt Nam cải thiện điều kiện kinh tế, tài khóa trong vòng 2 đến 3 năm tới.

Ông Benard, S&P hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều dấu hiệu cải thiện cùng với những tiến bộ đáng kể trong tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, S&P cũng nhấn mạnh, quá trình tái cân bằng nền kinh tế cùng với tái cơ cấu ngành khiến Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Thu nhập bình quân thấp (dự báo khoảng 2000 USD năm 2013) tiếp tục là thách thức đối với xếp hạng của Việt Nam đặc biệt khi đầu tư tư nhân và khu vực công vẫn hạn chế do hoạt động cho vay của ngân hàng chậm lại.

S&P có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam nếu nới lỏng chính sách quá sớm, ngược lại cũng có thể nâng xếp hạng nếu có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể tăng trưởng GDP thực tế bền vững trên 5,5%/năm mà không gây ra mất cân đối kinh tế vĩ mô.

Theo Gafin

Comments are closed.