Siết tín dụng bất động sản

30/03/2011 // No Comment // Categories: Bất động sản.

Nhiều ngân hàng (NH) đã bắt đầu ngưng cho vay bất động sản (BĐS), trong khi người tiêu dùng ngán ngẩm với mức lãi suất cho vay BĐS quá cao hiện nay nên cũng “hỏi cho vui chứ vay làm gì” .

Theo Trưởng phòng Khách hàng cá nhân một NH cổ phần có chi nhánh tại TP.HCM, mấy tuần trở lại đây, NH này đã không giải ngân cho bất cứ hồ sơ khách hàng cá nhân nào vay để mua nhà đất, kể cả với các chủ đầu tư dự án BĐS.

Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH TMCP Á Châu (ACB) cũng nói đang “gói ghém” để giảm tỷ lệ cho vay BĐS xuống theo lộ trình mà NHNN yêu cầu. Còn ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB) thì tiết lộ tỷ trọng cho vay phi sản xuất của OCB hiện nay trên 35% tổng dư nợ, trong đó cho vay BĐS khá cao. Do đó OCB buộc phải tạm ngưng cho vay để thu hồi vốn, không phát sinh các khoản vay mới nhằm giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống mức mà NHNN chỉ đạo.

Dư nợ 431.000 tỉ đồng

Trao đổi với báo chí gần đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết tỷ trọng cho vay phi sản xuất (bao gồm BĐS, chứng khoán, cho vay tiêu dùng…) của toàn ngành chiếm 18,7% tổng dư nợ với số tiền khoảng 431.000 tỉ đồng. Trong đó, 18 NH có tỷ trọng cho vay phi sản xuất dưới 25% dư nợ; 24 NH có tỷ trọng 26% trở lên.

NHNN đã xây dựng kịch bản để giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất này xuống 16% vào cuối năm. Từ nay đến 30.6.2011, tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất của các NH trên tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31.12.2011 là 16%.

Với các tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Đến 30.6.2011, nếu tốc độ tăng tín dụng vượt mục tiêu theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, NHNN áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp quy định của pháp luật để kiểm soát tín dụng. Chính vì vậy các NH hiện nay đều phải tìm cách thu hồi vốn cho vay BĐS và hầu như không cho vay mới thêm.

Một trong những cách để NH hạn chế cho vay BĐS là tăng lãi suất (LS) cho vay. Hiện LS cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất lên 18 – 22%/năm, mức lãi vay này đã làm rất nhiều khách hàng cần vay vốn từ bỏ ý định.

Tình hình này buộc các doanh nghiệp BĐS phải xoay xở tìm cách thích ứng. Ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) cho rằng, các doanh nghiệp BĐS không còn cách nào khác hơn là phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động, cắt giảm chi phí, giảm mục tiêu tăng trưởng, dừng các dự án không đủ vốn, hoặc khó thu hồi vốn, chuyển hướng sang những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ thương mại và xây dựng các dự án hạ tầng có vốn.

Đối với nhu cầu cần nhà ở của những người có thu nhập trung bình, theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, một trong những giải pháp hỗ trợ là có thể chia nhà ở làm 3 loại giá: dưới 1 tỉ đồng; từ 1-2 tỉ đồng và trên 2 tỉ đồng/căn. Hiện nhu cầu nhà ở của đại đa số người có thu nhập trung bình là các căn hộ có mức giá dưới 1 tỉ đồng. Ở góc độ an sinh xã hội, các NH không nên đóng van tín dụng đối với các trường hợp vay này, chỉ nên hạn chế đối với các trường hợp vay lớn nhằm mục đích đầu tư BĐS.

Theo Thanh Niên

Comments are closed.