Xuất khẩu cao su tự nhiên – “sống sót” trong khủng hoảng!

13/08/2014 // No Comment // Categories: Hàng hóa - Nguyên vật liệu.

Cao su tự nhiên được cho là đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng thừa khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Với lịch sử ngành, cuộc khủng hoảng này dự báo sẽ sớm kết thúc cho một chu kỳ mới bắt đầu.

Giá xuất khẩu xuống thấp nhất kể từ năm 2009

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sơ bộ 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cao su đạt 832 triệu USD tương ứng với 451 nghìn tấn, giảm 32,3% về giá trị và 10% về lượng so với 7 tháng đầu năm 2013.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt gần 349 nghìn tấn có trị giá hơn 652 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt gần 139 nghìn tấn, trị giá gần 248 triệu USD, giảm 23,6% về lượng và giảm tới 42,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn chiếm gần 40% lượng cao su xuất khẩu cả nước.

Xuất khẩu cao su tự nhiên – “sống sót” trong khủng hoảng! (1)

Như vậy, giá cao su xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.870 USD/tấn, giảm đến 52% so với năm 2011 – thời kỳ đỉnh của ngành cao su Việt Nam trong 6 năm trở lại đây, tuy nhiên vẫn cao hơn mức giá xuất khẩu bình quân của năm 2009.

Với tình hình này, Việt Nam có kế hoạch giảm sản lượng xuất khẩu cho cả năm 2014 xuống 1 triệu tấn, tương đương giảm khoảng 7% so với năm 2013. Nếu thực hiện đúng thì đây là sự sụt giảm đầu tiên về lượng xuất kể từ năm 2008.

Bao giờ ngừng rớt giá?

Giá cao su giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2014 được cho là do dư cung cao su tự nhiên có thể kéo dài đến năm 2016; kinh tế Trung Quốc trưởng chậm lại, nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990; và sản lượng cao su tự nhiên của Trung Quốc đang tăng lên, dự báo sẽ đạt khoảng 910.000 tấn (Việt Nam được dự báo đạt sản lượng 970.000 tấn trong năm 2014).

Trung Quốc đang là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, với kế hoạch năm 2014 sẽ nhập khẩu khoảng 4,26 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2013. Trong khi đó, với 90% sản lượng cao su dành cho xuất khẩu, Việt Nam đang nằm trong số 5 nhà xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới.

Giá cao su xuất khẩu đã giảm liên tục từ năm 2011. Câu hỏi đặt ra rằng, bao giờ giá sẽ ngừng giảm? Rất khó để trả lời chính xác thời gian. Theo nhận định của Tổng công ty cao su Việt Nam, năm 2015 giá cao su vẫn còn ở mức thấp và phải đến năm 2016, mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Loại trừ yếu tố tác động là giá dầu, giá cao su ngừng giảm nghĩa là cuộc khủng hoảng thừa cung cao su tự nhiên kỳ vọng chấm dứt. Về mặt lý thuyết điều này đồng nghĩa cung giảm, cầu tăng, hoặc cầu tăng nhanh hơn cung.

Xuất khẩu cao su tự nhiên – “sống sót” trong khủng hoảng! (2)
Trên thực tế, giá dầu là một ẩn số đáng gờm. Nhưng khả năng để giá dầu giảm sâu là rất khó do sự khan hiếm và ý thức về giới hạn nguồn.

Diện tích trồng cao su của Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ mức 450.000 ha năm 2003 lên mức khoảng 955.000 ha năm 2013. Giá cao su liên tục giảm, giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2014 đã khiến một bộ phận người trồng cao su thanh lý vườn cây trước hạn (bao gồm cây trồng mới và cây đang khai thác), diện tích cây cao su dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2014 qua đó dự báo sản lượng cao su sẽ giảm trong những năm tiếp theo. 

Thêm vào đó, những cải cách và các cuộc sắp xếp lại trật tự trong nội bộ tại Trung Quốc rõ ràng đang ít nhiều làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế của nước này nhưng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế trong dài hạn. Dù cho Việt Nam đang tìm cách giảm dần sự phụ thuộc của mình vào thị trường Trung Quốc trong hoạt động tiêu thụ và cung ứng nguồn nguyên liệu, Trung Quốc vẫn ảnh hưởng mạnh đến thị trường cao su toàn cầu.  Một khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao trở lại ngành cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Cuối cùng, cũng như những ngành nông nghiệp khác “mùa vụ” và “chu kỳ” là quy luật không tránh khỏi cho cả ngành cao su. Lịch sử ngành cho thấy, giai đoạn khủng hoảng thường kéo dài trong vòng 1 năm. Nếu lịch sử lặp lại, cuộc khủng hoảng lần này kỳ vọng sẽ sớm kết thúc.

“Sống sót” trong khủng hoảng

Bất chấp, giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đã giảm gần 20% so với giá bình quân trong năm 2013 và xuống thấp hơn mức kế hoạch Tập đoàn Cao su Việt Nam dự kiến (45 triệu đồng/tấn) ở những nơi có sản lượng 2 tấn/ha, người trồng với 3 ha vẫn có thể đạt được biên lợi nhuận 15% (Hiệp hội Cao su Việt Nam).

Các doanh nghiệp trong Tập đoàn dù lợi nhuận giảm và nhiều doanh nghiệp trong ngành 6 tháng đầu năm chưa thể đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận đề ra, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp này vẫn là điều mơ ước của nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác (hơn 25%).

Giá đã giảm hơn 50% so với giá năm 2011, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với giá trong năm 2008 (Giá xuất khẩu bình quân năm 2008 chỉ đạt hơn 943 USD/tấn).

Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan, trong khi xuất khẩu cao su đang khó khăn, xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Phillipines lại có nhiều triển vọng. Quản lý chi phí, tăng năng suất, cải thiện kỹ thuật khai thác, chăm sóc cây và tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa thị trường giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển ổn định.

Theo cafef

Comments are closed.