Nhận diện người mua trái phiếu tại Việt Nam

19/05/2011 // No Comment // Categories: Trái phiếu.

Năm ngoái, các NĐT nước ngoài quay lưng vi trái phiếu Vit Nam, nhưng khi lượng phát hành đt mc cao k lc. Năm nay, NĐT là ai và nhng yếu t nào nh hưởng đến th trường trái phiếu?

Nhìn lại năm 2010

- Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) sơ cấp: Khối lượng phát hành trong năm 2010 đạt mức kỷ lục 104.805,9 tỷ đồng, trong đó trái phiếu chính phủ là 68.448,6 tỷ đồng (kế hoạch 100.000 tỷ đồng), trái phiếu VDB là 36.357,3 tỷ đồng (kế hoạch 30.000 tỷ đồng). Tổng cộng trái phiếu tiền đồng toàn thị trường có số dư 299.000 tỷ đồng (15,3 tỷ USD) vào cuối năm 2010, tăng 34,2%. Trong đó, TPCP là 269.000 tỷ đồng (13,8 tỷ USD).

- Người mua TPCP: Chủ yếu là các NĐT trong nước, đặc biệt là các NHTM, với 2 lý do chủ yếu là: Thứ nhất, các NĐT nước ngoài chưa quay trở lại thị trường do có sự quan ngại nhất định về sự sụt giảm giá trị của VND so với USD. Thứ hai, nhu cầu mua TPCP tăng mạnh của khối các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước do: bối cảnh chính sách tiền tệ mở rộng giai đoạn giữa năm làm gia tăng áp lực dư thừa vốn; Thông tư 13 và Thông tư 19 buộc các TCTD phải tăng cường đầu tư vào TPCP; các NHTM tích cực tham gia mua TPCP do chênh lệch lãi suất khá hấp dẫn giữa thị trường mở (OMO) và huy động từ thị trường 1; một lượng khá lớn TPCP đáo hạn trong năm 2010, phần lớn là tại các NHTM, nên các NHTM tiếp tục mua lại và nắm giữ TPCP.

- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp: Tăng mạnh cả về giá trị và quy mô, tổng giá trị đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2009. Trái phiếu chủ yếu có cấu trúc lãi suất cố định năm đầu và thả nổi những năm còn lại do biến động của lãi suất. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, hoạt động không mấy sôi nổi và kém thanh khoản.

- Một số điểm nổi bật trong hoạt động thị trường trái phiếu năm 2010:

Về chính sách, Thông tư số 64 ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 134 ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam. Theo đó, NĐT nước ngoài khi đầu tư vào trái phiếu ở Việt Nam sẽ chịu thuế nhà thầu với mức thuế 10% trên số tiền lãi trái phiếu nhận từ tổ chức phát hành, cao gấp gần 10 lần mức thuế cũ (0,1% tính trên mệnh giá của trái phiếu).

Về hàng hóa, đây là năm có số lượng TPCP phát hành theo phương thức lô lớn cao nhất. Kho bạc Nhà nước tăng cường phát hành trái phiếu theo phương thức lô lớn để tăng tính thanh khoản trên thị trường. Cơ cấu kỳ hạn TPCP có những thay đổi: chủ yếu được phát hành với các kỳ hạn từ 3 – 10 năm, hạn chế các kỳ hạn ngắn từ 1 – 2 năm.

Về đối tượng tham gia thị trường, bên cạnh 4 NHTM lớn, một số ngân hàng nước ngoài và các CTCK vẫn là thành viên thường xuyên của thị trường nhiều năm qua. Năm 2010 chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của khối NHTMCP, nhất là các ngân hàng có quy mô vốn và tài sản lớn.

Viễn cảnh năm 2011 – 2012

- Những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu:

Một là, có khoảng 80.000 tỷ đồng (3,86 tỷ USD) trái phiếu đến hạn, trong đó năm 2011 là 55.000 tỷ đồng. Hai là, khối lượng phát hành dự kiến của TPCP năm 2011 là 85.000 tỷ đồng. Ba là, chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và mặt bằng lãi suất cao có thể kéo dài đến cuối quý III/2011. NHNN đã quy định trần lãi suất tiền đồng và USD ở mức lần lượt là 14%/năm và 3%/năm. Ngoài ra, các lãi suất chủ chốt đã được điều chỉnh lên mức 14%/năm. Bốn là, tỷ giá VND/USD đã điều chỉnh tăng 9,3% vào tháng 2/2011. Năm là, các quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn, trong bối cảnh hệ thống các TCTD tiếp tục mở rộng quy mô tổng tài sản, khiến nhu cầu nắm giữ TPCP vẫn sẽ ở mức cao. Sáu là, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh, nhưng không giảm nhiều so với năm 2010. Bảy là, các ngân hàng tiếp tục tăng vốn trong năm 2011 để đảm bảo hệ số CAR và hỗ trợ phát triển kinh doanh.

- Diễn biến lãi suất TPCP: Lợi tức của TPCP có xu hướng tăng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2009 đến tháng 12/2010 ở tất cả các kỳ hạn, điều này phản ánh sự gia tăng lợi suất do lạm phát gia tăng và lãi suất thị trường (huy động, thị trường mở) gia tăng. Mức gia tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 1 năm là 48 điểm phần trăm (0,48%), còn lại là tăng trung bình từ 0,06 – 0,21% ở các kỳ hạn còn lại.

Trong thời gian cuối tháng 4/2011, lãi suất trúng thầu TPCP lên đến 13,2% cho kỳ hạn 5 năm, nhưng tỷ lệ trúng khá thấp, chỉ đạt 500 tỷ đồng trên 1000 tỷ đồng gọi thầu. Trong khi đó, lãi suất trên OMO vào cuối tháng 4 đã lên đến mức 14%/năm.

Tính từ đầu năm 2011 đến nay, tỷ lệ phát hành thành công qua kênh phát hành trái phiếu chỉ đạt dưới 20% khối lượng kế hoạch, thấp hơn dự kiến rất nhiều.

Đối với các NĐT trong nước (chủ yếu là NHTM) sẽ nhìn vào 2 yếu tố lãi suất và lạm phát để xác định mặt bằng lãi suất trái phiếu nhằm tham gia thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, với các thị trường khác đang bất ổn thì nhu cầu mua, tái đầu tư TPCP từ các NHTM vẫn rất lớn trong năm 2011 và 2012, khi mức lãi suất đầu thầu phù hợp.

Đối với NĐT nước ngoài, ngoài các yếu tố trên, họ vẫn còn ngần ngại khi các yếu tố vĩ mô như lạm phát, giá trị tiền tệ vẫn còn cần phải cải thiện. Khi các yếu tố này được cải thiện, có thể các nhà đầu sẽ gia tăng nhu cầu mua TPCP Việt Nam, nhất là trái phiếu bằng USD (hiện có mức lợi tức khá cao 5,1% trong 4 tháng đầu năm 2011).

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền đồng cao và tình hình kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp sẽ hạn chế việc vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Trường hợp cần, họ sẽ lưu ý đến vay nợ thông qua phát hành trái phiếu bằng USD để tận dụng ưu thế về lãi suất.

Theo Trần Thế Phong
Khối Tư vấn và Phân tích đầu tư, SSI
Đầu tư chứng khoán

 

 

Comments are closed.